Soạn bài Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm – Kết nối tri thức Văn 6

Tài liệu Soạn bài Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm môn văn 6 ngắn gọn, chi tiết gồm 4 trang trả lời các câu hỏi theo tiến trình bài học: trước khi đọc, trong khi đọc và sau khi đọc trong sách giáo khoa văn 6 Tập 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

 

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm

* Phân tích bài viết tham khảo 

– Văn bản: Câu chuyện đồng phục 

+ Hiện tượng, vấn đề mà bài văn nêu lên: quy định học sinh mặc đồng phục khi đến trường.

+ Người viết đồng tình với quy định mặc đồng phục đối với học sinh.

+ Lí lẽ và bằng chứng được người viết đưa ra để khẳng định:

Đồng phục tạo ra vẻ đẹp hài hòa.

Đồng phục góp phần tạo nên bản sắc của từng trường.

Đồng phục xóa cảm giác về sự phân biệt giàu nghèo.

Đồng phục không làm mất đi cá tính của từng người.

* Thực hành viết theo các bước

1. Trước khi viết 

a. Lựa chọn đề tài  

Tham khảo một số đề tài sau:

– Tôn trọng người khác và mong muốn được người khác tôn trọng.

– Thái độ đối với người khuyết tật.

– Noi gương những người thành công.

– Đánh giá khả năng của bản thân.

Ngoài những đề tài nêu trên, em cũng có thể tự tìm một đề tài mà mình am hiểu và cảm thấy thú vị để thực hiện bài viết.

b. Tìm ý 

– Cần hiểu như thế nào về hiện tượng (vấn đề) này?

– Những khía cạnh cần bàn bạc.

– Bài học rút ra từ vấn đề bàn luận.

c. Lập dàn ý 

Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận.

– Thân bài: Đưa ra ý kiến bàn luận.

+ Nêu ý 1 (lí lẽ, bằng chứng).

+ Nêu ý 2 (lí lẽ, bằng chứng).

+ Nêu ý 3 (lí lẽ, bằng chứng).

+…

– Kết bài: Khẳng định lại ý kiến của bản thân.

2. Viết bài 

Bám sát dàn ý để viết bài. Khi viết cần chú ý:

– Có thể mở bài trực tiếp: nêu thẳng hiện tượng (vấn đề), hoặc mở bài gián tiếp bằng cách kể một câu chuyện ngắn để giới thiệu hiện tượng (vấn đề).

– Mỗi ý trong bài phải trình bày thành một đoạn văn, có lí lẽ và bằng chứng cụ thể.

* Bài văn mẫu tham khảo: 

Trong vài thập kỉ qua, đã có rất nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề: Có nên nuôi thú cưng? Trong quan điểm của tôi, nên có vật nuôi trong nhà. Dưới đây là một số lí do chứng minh cho việc tại sao chúng ta cần có ít nhất một bé thú cưng trong nhà.

Thú cưng giúp chúng ta cân bằng cảm xúc. Khoa học đã chứng minh các loài vật nuôi (đặc biệt là chó) thường khá nhạy cảm với cảm xúc. Vì vậy rất dễ dàng để chúng có thể phát hiện ra những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận,… của con người. Những lúc ấy, thú cưng sẽ thay thế một người bạn tri âm, tri kỉ. Có những vấn đề mà con người khó có thể nói cho một người nào đó vì nhiều lí do cá nhân. Có một con vật lắng nghe, không phán xét những suy nghĩ, hành động của bạn là một cách để bạn giải tỏa căng thẳng và những nỗi buồn. Những cử chỉ âu yếm, vuốt ve của thú cưng có thể mang lại cảm giác an ủi, an toàn cho những rối loạn, bối rối trong lòng con người.

Việc nuôi thú cưng giúp con người có trách nhiệm hơn. Chăm sóc, nuôi dạy thú cưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và khoảng thời gian nhất định. Để vật nuôi có thể phát triển một cách toàn diện, chúng ta cần dành nhiều thời gian cho những hoạt động: cho ăn, tắm rửa, vui chơi, dạy dỗ,… chúng. Bởi vì đang nắm trong tay sinh mạng của một loài động vật nên con người có xu hướng có trách nhiệm hơn trong mọi việc. Bạn không thể để một con vật chết đói, chết rét,… vì những hành động vô tâm của bản thân mình được. Hơn nữa, con người sẽ trở nên kiên nhẫn hơn khi dạy dỗ một loài vật sinh hoạt có trật tự. Trước khi vật nuôi hiểu được những điều chúng được dạy, chúng sẽ mất thời gian làm quen và thời gian này sẽ trở nên rất khó khăn với chủ. Chúng phải sai nhiều lần thì mới có thể nhận thức được đâu là hành động đúng để duy trì. Vì vậy, nếu chủ nhân của chúng không kiên nhẫn thì việc huấn luyện sẽ thất bại.

Sức khỏe con bạn sẽ được cải thiện nếu bạn nuôi dạy một loài vật nuôi đúng cách. Ví dụ như khi bạn nuôi một chú chó hay một chú ngựa (những động vật lớn, cần được vận động), bạn sẽ phải vận động nhiều hơn. Hàng ngày, một số thú cưng nhất định cần có thời gian được vận động, đi dạo, chạy nhảy. Để có thể quản lí và bảo vệ chúng, người chủ thường sẽ phải vận động theo nhịp độ của thú cưng. Hơn nữa, các bạn sẽ thức giấc và ăn ngủ điều độ hơn vì các bạn cần giữ cho thú cưng lối sinh hoạt cân bằng. Có thể nghe khó tin nhưng có bài báo khoa học còn đề cập đến việc chó có khả năng phát hiện ung thư ở người. Một đứa trẻ khi được sinh ra và lớn lên cùng động vật cũng sẽ ít có nguy cơ mắc hen suyễn và các bệnh khác hơn những đứa trẻ không tiếp xúc với động vật.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên nuôi thú cưng sau khi đã suy nghĩ một cách nghiêm túc và kĩ càng. Nếu bản thân thấy không có đủ thời gian, không gian, tài chính, trách nhiệm,… thì không nên nuôi chúng bởi vì chúng sinh ra không phải để chịu đựng. Đừng để đến lúc những chú cún cưng, mèo cưng,… của bạn chết vì sự vô tâm của mình thì mới nhận ra rằng mình không hợp nuôi vật cưng. Hơn nữa, các bạn cần phải cân nhắc đến sức khỏe của bản thân khi nuôi chúng như việc bạn không thể nuôi mèo khi bạn bị hen suyễn; bạn không thể nuôi những con vật to nếu như bạn không thể kiểm soát được chúng,…vì nó sẽ ảnh hưởng đến cá nhân bạn cũng như những người xung quanh.

Nuôi một con thú nuôi là một điều tốt đẹp mà bạn có thể trải nghiệm trong cuộc đời. Tuy nhiên đừng biến chúng thành gánh nặng cho chính bản thân mình. Hãy cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định nuôi một con vật nào đó.

3. Chỉnh sửa bài viết 

Đọc lại bài viết, rà soát từng phần, từng đoạn để chỉnh sửa theo gợi ý sau đây:

Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
Nêu được hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận. Đọc lại phần mở bài, nếu chưa thấy hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận thì phải nêu cho rõ.
Thể hiện được ý kiến (tình cảm, thái độ, cách đánh giá,…) của người viết về hiện tượng (vấn đề). Bổ sung những câu thể hiện tình cảm, thái độ, cách đánh giá về hiện tượng (vấn đề) nếu thấy còn thiếu.
Đưa ra được các lí lẽ và bằng chứng để bài viết có sức thuyết phục. Kiểm tra lại các lí lẽ và bằng chứng, nêu lí lẽ chưa chắc chắn, bằng chứng chưa tiêu biểu hoặc còn thiếu thì phải chỉnh sửa, thay thế, bổ sung.
Bảo đảm các yếu tố về chính tả và diễn đạt. Tự phát hiện các lỗi về chính tả và diễn đạt và chỉnh sửa, thay thế, bổ sung.

Nội dung trên thuộc soạn văn 6. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được tổng hợp tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-6/