Soạn bài Thực thi công lí | Ngữ văn 12 Cánh diều

Tài liệu soạn bài Thực thi công lí Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!

Soạn bài Thực thi công lí | Ngữ văn 12 Cánh diều

Soạn bài Thực thi công lí

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 57 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1):

– Đọc trước đoạn trích Thực thi công lí, tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Uy-li-am Sếch-xpia và vở hài kịch Ngườilái buôn thành Vơ-ni-dơ.

– Đọc nội dung giới thiệu để hiểu bối cảnh củađoạn trích.

Trả lời:

*Tác giả Uy-li-am Sếch-xpia (1564 – 1616)

– Quê quán : sinh ra và lớn lên tại Stratford-upon-Avon, nước Anh

– Sự nghiệp : Là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại. Ông còn được vinh danh là nhà thơ tiêu biểu của nước Anh và là “Thi sĩ của dòng sông Avon”. Sếch-xpia viết hơn 40 vở kịch, tất cả đều dưới dạng thơ, và được chia thành ba loại:

– Hài kịch: “Giông tố”, “As you like it”, “Cardenio”, …

– Bi kịch: “Hamlet”, “Othello”, “King Lear”, “ Romeo and Juliet”,…

– Kịch lịch sử: “King John”, “Henry V”, “Richard II”, ….

* Vở hài kịch “Người lái buôn thành Vơ-ni-dơ”

– Thời gian sáng tác : là một vở kịch thế kỉ XVI của William Shakespeare. Vở kịch được cho là đã được sáng tác trong giai đoạn 1596-1599.

– Nội dung : viết về một thương gia thành Venice tên là Antonio, người đã không có khả năng trả một khoản nợ lớn vay từ một người Do Thái chuyên cho vay lấy lãi tên là Shylock.

– Giá trị : Vở hài kịch đưa lại giá trị nhân văn sâu sắc : ca ngợi con người, ca ngợi những tình cảm cao đẹp và tiếng nói của lương tri, chính nghĩa. Bên cạnh đó, vở kịch đã phê phán chế độ phong kiến lạc hậu và xã hội tư bản bóc lột và chèn ép con người.

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính Thực thi công lí: Đoạn trích của vở kịch nói về vụ kiện để giải quyết mâu thuẫn giữa hai nhân vật Sai-lốc và Antonio. Họ đã kí một văn khế mượn tiền, nếu quá thời hạn trả, Sai-lốc được phép lấy một cân thịt trên người Antonio. Trước sự tham lam và tàn độc của Sai-lốc, quan tòa đã xử phạt phân minh khiến ông ta phải chịu hình phạt thích đáng.

*Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu hỏi (trang 57 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Đọc lướt văn bản xem đoạn trích sử dụng những kiểu lời thoại nào ?

Trả lời:

Đoạn trích sử dụng nhiều kiểu lời thoại, bao gồm cả độc thoại và đối thoại nhưng đối thoại chiếm ưu thế.

Câu hỏi (trang 58 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Hành động kịch của Poóc- xi-a ở đây là gì?

Trả lời:

Hành động kịch của Poóc-xi-a là hành động kịch qua lời thoại. Là hành động bên ngoài được thể hiện qua lời nói.

Câu hỏi (trang 60 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Lời thoại của Gra-ti-a-nô có gì giống và khác với lời thoại của Sai-lốc ở phần trước?

Trả lời:

– Lời thoại của các nhân vật :

+ Sai-lốc: “Ôi, vị quan tòa cao quý !”/ “Ôi, vị quan tòa ngay thẳng và sáng suốt”/ “Quan tòa thật là công minh quá !”/ “ Quan tòa thật là giỏi quá !”

+ Gra-ti-a-nô : “Ôi, quan tòa công minh quá, hả, Sai-lốc!” / “Ôi, quan tòa giỏi quá, nhỉ, Sai-lốc?”

– Giống: cấu trúc có phần giống nhau “ôi, quan tòa…” và đều sử dụng thán từ “ôi” để thể hiện cảm xúc.

– Khác : Lời thoại của Gra-ti-a-nô dùng để khen quan tòa nhưng như một câu hỏi giành cho Sai-lốc, thể hiện qua các từ “hả”, “nhỉ” . Còn lời khen của Sai-lốc dùng trực tiếp đến quan tòa.

*Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 62 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Liệt kê các hành động kịch của nhân vật Poóc-xi-a và Sai-lốc trong đoạn trích Thực thi công lí, từ đó hãy nêu tình huống kịch trong đoạn trích.

Trả lời:

– Hành động kịch của nhân vật Poóc-xi-a : Cải trang thành chàng tiến sĩ luật sư ; Hỏi rõ về giấy khế ước và sự chấp thuận hai bên ; Thuyết phục Sai- lốc đưa đến sự khoan hồng; Chấp thuận giao ước trong khế ước mượn tiền; Dựa vào điều kiện giao ước lật lại vụ án; Khiến Sai-lốc nhận trừng phạt.

– Hành động kịch của nhân vật Sai-lốc : Cứng đầu, đòi quan tòa phải xử đúng giao ước, không có sự khoan hồng; Vui mừng sẵn sàng lấy cân thịt trên người Antonio; Hoảng sợ khi biết không thể thực hiện giao ước và bị luật pháp trừng phạt.

– Tình huống kịch : Sai-lốc kí tờ văn khế mượn tiền, nếu vi phạm, Antonio phải cho Sai-lốc được quyền lấy một cân thịt trên cơ thể. Đã quá hạn trả tiền trên tờ văn khế, Sai-lốc đem chuyện này kiện ra quan tòa để được lấy 1 cân thịt trên người Antonio.

Câu 2 (trang 62 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Ghép phần văn bản ở cột A với cấu trúc đối thoại phù hợp ở cột B. Chỉ ra tác dụng của cách tổ chức các lời thoại đó.

A B
(1) Từ “Poóc-xi-a: Tên ông có phải là Sai-lốc không?” đến “Tôi khăng khăng một mực yêu cầu theo đúng văn khế.” a. Tấn công, luận tội – Xuống nước, đầu hàng
(2) Từ “An-tô-ni-ô: Tôi khẩn cầu toà tuyên án đi cho.” đến “Nào, anh, chuẩn bị đi.” b. Thuyết phục – Phản đối
(3) Từ “Poóc-xi-a: Khoan đã, chưa hết.” đến hết. c. Chấp thuận – Tán thưởng
d. Thăm dò – Lảng tránh

Trả lời:

– Ghép phần văn bản ở cột A với cấu trúc đối thoại phù hợp ở cột B :

(1) – b

(2) – c

(3) – a

– Tác dụng của cách tổ chức các lời thoại : Qua việc tổ chức lời thoại theo cấu trúc như trên thể hiện trí thông minh và sự mưu trí của nhân vật Pooc-xi-a. Ban đầu cô vẫn ra sức thuyết phục mong cho tên đểu cáng Sai-lốc sẽ thay đổi ý kiến và khoan nhượng, nhưng không, hắn ta từ chối. Biết không thể thuyết phục được nữa, cô chưa vội tấn công mà cho hắn thứ hắn muốn nhằm buông lỏng cảnh giác và lừa hắn vào bẫy về sau. Lúc thời cơ chín muồi cô mới tung đòn tấn công và khiến hắn sập bẫy. Cuối cùng hắn ta không chỉ lấy được lạng thịt nào mà còn mất thêm tài sản của mình. Đó chính là trí thông minh của Pooc-xi-a.

Câu 3 (trang 62 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Chỉ ra và nêu nhận xét của em về xung đột kịch trong đoạn trích. (Gợi ý: Xung đột xảy ra giữa ai với ai và về điều gì? Đỉnh điểm của xung đột là khi nào? Xung đột được giải quyết bằng cách nào? Cảm xúc của người đọc diễn biến như thế nào theo mức độ phát triển của xung đột?….).

Trả lời:

– Xung đột xảy ra giữa Sai-lốc và Antonio về vấn đề vay mượn tiền. Đã qua thời hạn mượn tiền trong tờ văn khế và đã đến lúc Antonio nhận hình phạt do đã vi phạm văn khế

– Xung đột được giải quyết bằng cách đưa ra quan tòa để xử án. Nhờ trí thông minh của Pooc-xi-a cô đã giải quyết ổn thỏa xung đột, giúp người tốt bụng ( Antonio) thoát khỏi âm mưu hãm hại của tên xấu xa Sai-lốc.

– Cảm xúc của người đọc cũng thay đổi theo diễn biến của xung đột. Lúc Pooc-xi-a thuyết phục giải quyết xung đột bằng sự khoan hồng, mọi người cảm thấy thuyết phục và chí lí. Lúc Sai-lốc chuẩn bị lấy một cân thịt của người lái buôn đã tạo nên cảm giác hồi hộp, sợ hãi. Lúc quan tòa giải quyết ổn thỏa xung đột, kẻ xấu đã bị trừng trị thích đáng đã đưa lại cảm giác thỏa mãn cho người đọc.

Câu 4 (trang 62 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Qua lời thoại và hành động kịch của nhân vật, hãy làm rõ tính cách của nhân vật Sai-lốc. Vì sao đây là một nhân vật hài kịch?

Trả lời:

– Nhân vật Sai-lốc là một kẻ tham lam, xấu xa. Ông ta vốn là một người chuyên cho vay lãi để vay tiền, từ việc ghét Antonio tốt bụng vì cho vay không lấy lãi làm ông ta phải hạ mức lãi suất đã thể hiện bản tính tham lam của ông ta.

– Kẻ lẻo mép, nịnh hót : “Ôi, vị quan tòa cao quý !”/ “Ôi, vị quan tòa ngay thẳng và sáng suốt”/ “Quan tòa thật là công minh quá !”/ “ Quan tòa thật là giỏi quá !”

– Bản tính tàn độc :

+ Sau khi Pooc-xi-a thuyết phục sự khoan hồng, ông ta vẫn lạnh lùng và cứng đầu “Tôi đòi hỏi công lý và sự thi hành các điều khoản”.

+ “Ở ngực…gần sát tim” – Đó là vị trí ông ta sẽ xẻo thịt – một vị trí đau đớn thậm chí có thể lấy cả tính mạng của người bị cắt.

+ Ông ta hào hứng sẵn sàng cắt thịt của Antonio hay chính là hành động giết người, đến mức đưa cả cân lên tòa “Tôi có mang theo đây, sẵn sàng đủ cả”

-> Đây là một nhân vật hài kịch bởi lẽ, ở Sai-lốc không có sự tương xứng giữa thực chất bên trong và hành động bên ngoài. Ông ta ra vẻ như mình là một người đề cao công lý, công bằng và luật lệ nhưng thực chất bên trong ông ta chỉ muốn thực hiện mục tiêu ích kỉ cá nhân của mình, đó là giết Antonio.

Câu 5 (trang 62 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Theo em, có nên sáp nhập tất cả những lời tuyên án, luận tội của Poóc-xi-a dành cho Sai-lốc vào một lượt lời thoại không? Vì sao? Qua đoạn trích, hãy nêu và làm rõ nhận xét của em về nhân vật Poóc-xi-a.

Trả lời:

– Theo em nên sáp nhập tất cả lời tuyên án, luận tội của Poóc-xi-a dành cho Sai-lốc vào một lượt lời thoại bởi lẽ việc thể hiện trong một lượt lời chứng tỏ không một ai chen lời vào quyết định tuyên án và luận tội của quan tòa, điều đó góp phần thể hiện uy nghi của quan tòa và kết quả xử án công minh của Pooc-xi-a. Bên cạnh đó còn thể hiện sự bất ngờ không nói lên lời trước kết quả không ngờ tới của Sai-lốc.

– Nhận xét của em về nhân vật Poóc-xi-a : Là một người phụ nữ mạnh mẽ và cơ trí. Cô mạnh mẽ ở chỗ là một người con gái đóng giả chàng tiến sĩ luật sư trước mặt con quỷ già Sai-lốc mà không bị phát hiện, cũng như những lời tuyên án đanh thép của cô ở cuối đoạn trích. Sự mưu trí của cô thể hiện qua việc sắp xếp để lừa Sai-lốc vào tròng, làm cho hắn không chỉ bị thất bại bởi âm mưu của mình mà còn mất đi tài sản.

Câu 6 (trang 62 Sách giáo khoa Văn12 Tập 1): Hãy lựa chọn để đối thoại với một trong các ý kiến sau đây (Gợi ý: đồng tình, không đồng tình, lí do,…).

a) “Chính bản chất của sự khoan hồng là không vâng theo áp lực; nó từ trên trời sa xuống như một trận mưa tốt lành; nó được trời ban phước hai lần: được ban phước trong kẻ ra ơn cũng như trong kẻ chịu ơn.” (lời của Poóc-xi-a).

b) “[…] tôi khẩn cầu các ngài: các ngài hãy bắt công lí phải nhượng bộ, nhân danh uy quyền của các ngài; các ngài hãy làm cái việc sai trái nhỏ đó để nhằm một việc nhân nghĩa rất lớn. […]” (lời của Ba-sa-ni-ô).

c) “Không có quyền lực nào ở Vơ-ni-dơ có quyền thay đổi một sắc lệnh đã ban bố; làm như vậy sẽ tạo nên một tiền lệ, và vin vào cái gương đó, trăm nghìn sự nhũng lạm sẽ xúm lại làm hại nhà nước; không thể làm như thế được.”(lời của Poóc-xi-a).

Trả lời:

Em lựa chọn đối thoại với ý kiến c. Lời của Pooc-xi-a quả thực chính xác. Lời thoại kịch này đúng với muôn đời về mặt lý thuyết. Chỉ cần có một tiền lệ, tức là một trường hợp phá vỡ luật thì ắt hẳn sẽ có nhiều trường hợp tiếp theo tiếp tục đi theo con đường đó. Dần dần, sự phá vỡ luật lệ sẽ đưa đến sự bất công và người có quyền thế hơn sẽ được lợi, kẻ tội đồ được thả tự do, còn người hiền lương bị trừng phạt, khi sự bất công tăng cao sẽ dẫn đến nổi loạn làm hại nước nhà. Lời thoại cũng như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh trước pháp luật đương thời, cần phải nghiêm chỉnh thực hiện, không bao che, nhận đút lót mà xử phạt bất công sẽ dẫn đến loạn lạc nước nhà.

Nội dung thuộc soạn văn lớp 12 Cánh Diều. Các bạn có thể theo dõi nội dung tổng hợp tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-12/