Tài liệu soạn bài Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!
Soạn bài Tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau
1. Định hướng
1.1. Tranh luận (còn gọi là tranh biện) là một hoạt động trao đổi khá phổ biến, xảy ra khi có sự bất đồng, trái ngược nhau về quan điểm, ý kiến giữa hai hay nhiều người về một vấn đề nào đó. Tranh luận nhằm mục đích phân định đúng sai, làm rõ chân lí, đưa ra những giải pháp khả thi hay những quyết định phù hợp. Trong tranh luận, mỗi cá nhân hoặc nhóm cần đưa ra được ý kiến, lí lẽ và bằng chứng để bảo vệ quan điểm của mình và phản bác quan điểm của đối phương.
Vấn đề tranh luận có thể thuộc lĩnh vực đời sống xã hội nhưng cũng có thể liên quan đến văn học. Bài 7 tập trung vào nội dung tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau liên quan đến tác phẩm văn học.
Một cuộc tranh luận thường diễn ra theo các bước sau:
1 | 2 | 3 | 4 |
Nêu vấn đề cần tranh luận | Mỗi cá nhân / nhóm nêu ý kiến của mình | Mỗi cá nhân / nhóm thực hiện tranh luận | Kết luận về vấn đề tranh luận |
1.2. Để tranh luận về một vấn đề có những ý kiến trái ngược nhau, các em cần chú ý:
– Xác định chính xác vấn đề cần tranh luận; thu thập thông tin về vấn đề đó.
– Nêu ra được quan điểm, ý kiến của bản thân; xác định được quan điểm, ý kiến đối lập với mình.
– Tìm được những lí lẽ, bằng chứng (nhất là những tri thức khoa học), các phương tiện hỗ trợ để bảo vệ quan điểm của bản thân, đồng thời bác bỏ quan điểm đối lập.
– Dự kiến những câu hỏi, nội dung bác bỏ / phản biện của người nghe để chuẩn bị các phương án trả lời.
– Xác định và nắm vững các nguyên tắc tranh luận: nêu đầy đủ và rõ ràng vấn đề cần tranh luận; tôn trọng người tham gia tranh luận; bác bỏ quan điểm của đối phương một cách có cơ sở, không bảo thủ; có thái độ khách quan, thiện chí khi tranh luận;…
– Kết luận về vấn đề phải được nêu ra một cách hợp lí, thuyết phục.
– Thực hiện tranh luận theo quy trình đã nêu ở ý 1.1. Định hướng.
Ngoài ra, để đảm bảo cho cuộc tranh luận được diễn ra khách quan, cần có người điều hành để nêu vấn đề, dẫn dắt và kết luận. Ngôn ngữ và thái độ tranh luận phải phù hợp, có văn hoá,…
2. Thực hành
Bài tập (trang 58 Sách giáo khoa Văn12 Tập 2): Có ý kiến cho rằng tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” chỉ có ý nghĩa lịch sử với thời Nguyễn Đình Chiểu, lại có người cho rằng tác phẩm ấy còn mang tính thời sự đối với cuộc sống hiện nay. Nếu tán thành ý kiến thứ hai, em sẽ bảo vệ ý kiến ấy như thế nào?
a) Chuẩn bị
– Đọc và tìm hiểu kĩ vấn đề em sẽ tranh luận: đồng tình với ý kiến “tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc còn mang tính thời sự đối với cuộc sống hiện nay.”
– Xem lại phần đọc hiểu bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; tìm hiểu ý nghĩa lịch sử và tính thời sự của một tác phẩm văn học.
– Suy nghĩ về các lí lẽ, bằng chứng sẽ nêu lên (lí lẽ bảo vệ ý kiến em đồng tình và lí lẽ phản bác lại ý kiến trái ngược).
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý cho bài tranh luận bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
+ Thế nào là ý nghĩa lịch sử và tính thời sự của một tác phẩm văn học?
+ Vì sao em không tán thành ý kiến cho rằng tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chỉ có ý nghĩa lịch sử với thời Nguyễn Đình Chiểu?
+ Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có ý nghĩa thời sự đối với cuộc sống hiện nay như thế nào?
+ Cần có cách nhìn nhận đúng về bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói riêng cũng như các tác phẩm văn học trung đại nói chung như thế nào?
– Lập dàn ý cho bài tranh luận bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:
Mở đầu | Khẳng định đồng tình với ý kiến: tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang tính thời sự đối với cuộc sống hiện nay. |
Nội dung chính | + Nêu những lí lẽ để bảo vệ và làm rõ ý kiến: bài văn tế không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang tính thời sự đối với cuộc sống hiện nay.
+ Nêu lí lẽ phản bác lại ý kiến cho rằng bài văn tế chỉ có ý nghĩa lịch sử. |
Kết thúc | Khẳng định việc cần nhìn nhận đúng về các tác phẩm văn học trung đại nói chung và bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói riêng. |
c) Nói và nghe
– Người chủ trì nêu vấn đề cần tranh luận.
– Một số bạn nêu ý kiến cá nhân.
– Các bạn khác trao đổi lại: đặt câu hỏi, nêu ý kiến phản bác hoặc đề xuất ý kiến của cá nhân mình,…
– Người chủ trì nêu ý kiến tổng hợp chung.
* Bài nói mẫu tham khảo:
Mỗi một tác phẩm văn học đều mang một giá trị to lớn riêng, xuyên suốt những chặng đường lịch sử, tồn tại cho đến ngày nay. Đối với tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy, nó không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang tính thời sự đối với cuộc sống hiện nay.
Tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” mang những giá trị lịch sử quý báu. Đó chính là bức tượng đài đặt dấu mốc thể hiện cả một bi kịch lớn của dân tộc – bi kịch nước mất, nhà tan. Đó là tác phẩm chan chứa nhiều cảm xúc về người anh hùng nông dân Nam Bộ, đằng sau hình tượng người nông dân ấy, chính là biểu thị cho tinh thần dũng mãnh bất khuất, tiêu biểu cho ý chí độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam. Thông qua tác phẩm, ta còn nhận ra tình yêu nước của cha ông không chỉ nằm trên ngọn súng, ngọn giáo mà còn nằm trên ngòi bút của người nghệ sĩ. Dẫu không trực tiếp đánh giặc bằng súng, bằng gươm, những Nguyễn Đình Chiểu, với tài thơ văn của mình, ông đã ghi lại cả một thời kỳ đau thương và vĩ đại của dân tộc. Qua đó góp phần cổ vũ cho cuộc kháng chiến và giữ lấy ngọn lửa yêu nước trong nhân dân.
Bên cạnh những giá trị lịch sử to lớn là vậy, tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” còn mang nhiều ý nghĩa cho đến tận ngày nay. Trước hết, bài tế chính là minh chứng sống góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Bởi lẽ tác phẩm đã thể hiện trọn vẹn tình yêu nước, lòng kiên cường, tinh thần bất khuất của cha ông ta. Thêm nữa, tác phẩm viết về những con người đáng nể phục, họ đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Ngoài ra, thông qua tác phẩm này, học sinh hiểu rõ hơn về sức mạnh nghệ thuật trong thể loại văn tế. Văn tế không chỉ thể hiện sự tiếc thương dành cho những người đã ngã xuống mà còn tạo nên không khí oai hùng, linh thiêng. Đọc tác phẩm, dường như những người nông dân ấy đã trở thành bức tượng đài vĩnh cửu sừng sững giữa núi non. Điều đặc biệt, tác phẩm mang đậm tư tưởng nhân đạo, thể hiện truyền thống yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là những giá trị cho đến ngày nay vẫn được chú trọng và gìn giữ.
Như vậy, đối với tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nói riêng cũng như các tác phẩm văn học trung đại nói chung, dẫu được sáng tác từ lâu những chúng không chỉ giữ nguyên giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa thời sự đối với cuộc sống hiện nay. Đó chính là những bài học, những tư tưởng xuyên suốt được đúc kết từ một thời đại hào hùng đã đi qua.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục d (trang 31); đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.
Nội dung thuộc soạn văn lớp 12 Cánh Diều. Các bạn có thể theo dõi nội dung tổng hợp tại đây: