Tài liệu soạn bài Giới thiệu về một tác phẩm văn học Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 11. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!
Soạn bài Giới thiệu về một tác phẩm văn học
* Yêu cầu
– Nêu rõ lí do lựa chọn, giới thiệu tác phẩm văn học.
– Cung cấp thông tin cơ bản về tác phẩm văn học: tác giả, thể loại, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.
– Giới thiệu kĩ một vài khía cạnh đặc sắc của tác phẩm từ góc nhìn cá nhân.
– Thể hiện được ý kiến, quan điểm đánh giá của cá nhân về tác phẩm.
1. Chuẩn bị nói
Lựa chọn đề tài
Đề tài của bài nói có thể được khai thác từ đề tài của bài viết ở trên.
Tìm ý và sắp xếp ý
Từ hệ thống luận điểm ở bài viết, lựa chọn những ý quan trọng nhất, thể hiện rõ quan điểm và phát hiện của bản thân cần được trình bày trong bài nói.
2. Thực hành nói
Bài nói gồm đủ ba phần, tập trung vào các nội dung sau:
– Mở đầu: Giới thiệu tác phẩm, tác giả, lí do lựa chọn.
– Triển khai: Giới thiệu đề tài, tóm tắt nội dung chính, nêu ý kiến đánh giá về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Có thể chọn phân tích kĩ một khía cạnh mà mình tâm đắc.
– Kết luận: Khẳng định giá trị và ảnh hưởng của tác phẩm.
Lưu ý: Trong khi nói, cần kết hợp sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp và có thức tương tác với người nghe.
Bài nói tham khảo
Chào các bạn, sau đây tôi xin giới thiệu với các bạn một tác giả đã để lại tác phẩm văn học mà tôi rất ấn tượng. Ông là một trong số những tác giả kiệt xuất đối với nền văn học trung đại Việt Nam, ông đã để lại cho hậu bối rất nhiều tác phẩm kinh điển được viết bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Đọc những tác phẩm của ông có thể dễ dàng nhận thấy được tấm lòng yêu thương con người, đất nước da diết, mãnh liệt. “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi chính là tác phẩm thể hiện trọn vẹn những đức tính tốt đẹp đó của ông.
Tác phẩm được ra đời trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, sau khi đánh tan quân xâm lược, Vương Thông đã phải miễn cưỡng giảng hòa và rút quân Minh về nước, nhân dân ta giành lại được độc lập, chủ quyền. Trong hoàn cảnh lịch sử hào hùng ấy, Nguyễn Trãi đã thay mặt vua Lê Lợi để viết tác phẩm “Bình ngô đại cáo” và chính thức công bố với toàn thể quần chúng nhân dân vào đầu năm 1428. Tác phẩm chính là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta.
Tác phẩm được Nguyễn Trãi viết bằng thể cáo – một thể loại có nguồn gốc từ Trung Hoa, thường được nhà vua hoặc thủ lĩnh sử dụng để công bố một sự kiện trọng đại của đất nước. Cũng như rất nhiều thể loại văn khác thời cổ, cáo được trình bày rất mạch lạc, rõ ràng, chặt chẽ về kết cấu, lập luận sắc bén và lý lẽ vô cùng thuyết phục. “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là một tác phẩm hội tụ đầy đủ rõ nét về những đặc điểm này.
Tác phẩm được chia làm 4 phần với 4 ý nghĩa khác nhau. Đoạn mở đầu bài cáo đã nêu lên luận điểm chính nghĩa để làm cơ sở, nền tảng để triển khai nội dung bài cáo. Luận đề chính nghĩa ấy chính là sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng thân dân với độc lập dân tộc:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Sau khi nêu được luận điểm chính nghĩa để làm cơ sở, trong phần 2, Nguyễn Trãi đã vạch rõ những tội ác vô cùng độc ác, man rợ của kẻ thù phương Bắc. Đó là những hành động sát hại, chà đạp, vùi dập nhân dân ta một cách không thể độc ác hơn. “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”. Đó là những thứ thuế vô lý, hủy hoại môi trường sống, phá hoại tài nguyên thiên nhiên và sức lao động của người dân Đại Việt. Tất cả những tội ác man rợ đó đã được Nguyễn Trãi khắc họa lên vô cùng chân thực, rõ nét bằng những lời lẽ thuyết phục, sắc bén. Ở phần hai, tác giả còn nêu lên ý chí căm thù, phẫn nộ sâu sắc của nhân dân đối với kẻ thù. Phần 3 Nguyễn Trãi đã tái hiện lại rõ nét quá trình chiến đấu, chinh phạt nhiều gian khổ, khó khăn và tất yếu thắng lợi của nhân dân ta. Ban đầu, cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn vấp phải vô vàn rào cản, khó khăn, thiếu thốn đủ thứ cả về nhân lực, thực phẩm. Nhưng rồi với ý chí quật cường, sự lãnh đạo tài ba của Lê Lợi, nghĩa quân và toàn thể nhân dân đã thắng lợi không thể vẻ vang hơn trước sự xâm lược của giặc ngoại xâm. Trên cơ sở nêu lên luận đề chính nghĩa, vạch rõ những âm mưu và tội ác man rợ của kẻ thù, quá trình chiến đấu quật cường của dân tộc ta, khép lại đoạn văn chính là lời tuyên bố độc lập, tất yếu thắng lợi của chính nghĩa. Đoạn cuối cùng của bài cáo chính là lời tuyên bố trịnh trọng về việc kết thúc chiến tranh, khẳng định chắc nịch về chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc và niềm tin vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp của đất nước, nhân dân.
Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Trãi còn để lại trong lòng người đọc một ấn tượng sâu sắc trong sự thể hiện thành công cả về nội dung và nghệ thuật. Trước hết, bài cáo thành công trong việc kết hợp thích hợp, hài hòa giữa yếu tố chính luận với yếu tố văn chương với nhiều hình ảnh vô cùng chân thật, độc đáo. Thêm vào đó, bài cáo còn được thay đổi giọng điệu vô cùng linh hoạt trong từng phần, phù hợp với nội dung – tự hào về truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc, phẫn nộ khi vạch rõ tội ác của kẻ thù, trịnh trọng khẳng định về sự độc lập của dân tộc.
“Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi chính là thiên hùng ca ca ngợi chiến thắng vĩ đại của toàn dân ta trong thế kỷ XV. Tác phẩm vừa có giá trị to lớn về lịch sử lẫn văn học, không chỉ lưu giữ những sự kiện lịch sử quan trọng mà còn góp phần khích lệ tinh thần chiến đấu quật cường, lòng tự hào dân tộc đến thế hệ sau. Nguyễn Trãi chính là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà thơ, nhà văn tài ba sẽ mãi mãi được khắc ghi trong tâm trí mỗi người con đất Việt.
Trên đây là bài trình bày của tôi về việc giới thiệu một tác phẩm văn học, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
3. Trao đổi, đánh giá
Người nói |
Người nghe |
– Giải thích thêm những điều người nghe còn chưa rõ hoặc chưa đồng tình.
– Thể hiện thái độ tiếp thu đối với những góp ý hữu ích và xác đáng về tác phẩm được giới thiệu; bổ sung thông tin; chuẩn bị lí lẽ để phản biện những ý kiến, quan điểm của người nghe mà người nói chưa nhất trí. – Thể hiện tinh thần tôn trọng, cầu thị khi trao đổi với người nghe, đặc biệt về các ý kiến phản biện. – Tự đánh giá phần trình bày bài nói, nêu những kinh nghiệm bổ ích, rút ra được qua trao đổi. |
– Chia sẻ những nội dung mà bạn tâm đắc trong bài nói (thông tin thú vị về tác giả, tác phẩm; cách nhìn mới mẻ, độc đáo của người nói,…)
– Trao đổi với người nói về những vấn đề chưa rõ, hoặc chưa đồng tình. – Có thể bổ sung những thông tin về tác phẩm được giới thiệu hoặc đưa ra ý kiến, quan điểm riêng để giúp người nói có cái nhìn toàn diện hơn về tác phẩm được giới thiệu. – Nêu nhận xét về nội dung và cách trình bày bài nói. |
Để nâng cao hiệu quả trao đổi trong những bài học sau, cần tự đánh giá và đánh giá về bài giới thiệu theo các nội dung bảng dưới đây:
STT |
Nội dung đánh giá |
Kết quả |
|
Đạt |
Chưa đạt |
||
1 |
Bài nói chọn được tác phẩm người nói yêu thích và có sức hấp dẫn với người nghe. | ||
2 |
Các thông tin cơ bản về tác phẩm được nêu chính xác, đầy đủ và mạch lạc. | ||
3 |
Các phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng phù hợp, có hiệu quả. | ||
4 |
Phong cách trình bày tự tin, có sức thuyết phục. | ||
5 |
Nhận ý kiến phản hồi của người nghe với tinh thần cầu thị, tôn trọng các ý kiến khác biệt. |
Nội dung trên thuộc soạn văn 11. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được tổng hợp tại đây: