Tài liệu soạn bài Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu (Kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ)văn11 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 11. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!
Soạn bài Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu (Kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ)
* Yêu cầu
– Giới thiệu được vấn đề nghiên cứu, lí do chọn vấn đề.
– Trình bày khái quát những kết quả nghiên cứu chính.
– Sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để nội dung trình bày được rõ ràng và hấp dẫn.
1. Chuẩn bị nói
Mục đích của việc trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu là “tô đậm” những thông tin chính trong báo cáo nghiên cứu, thu thập thông tin phản hồi từ người nghe. Để thực hiện được mục đích này, ngoài việc chuẩn bị về nội dung (như hướng dẫn trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập một, tr. 119), người nói cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng các hình thức, phương tiện trình bày sao cho hiệu quả, phù hợp. Có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:
– Tìm hiểu về người nghe và bối cảnh giao tiếp: Báo cáo kết quả nghiên cứu có thể được trình bày trong một hội thảo dành cho đối tượng học sinh, một diễn đàn chuyên môn, hoặc một buổi thuyết trình về một dự án,… Người nghe báo cáo có thể là học sinh, là nhà tài trợ hoặc một hội đồng chuyên môn. Trước khi trình bày báo cáo, cần tự đặt câu hỏi: Người nghe đã biết những thông tin gì, đang quan tâm tới điều gì, từ đó lựa chọn nội dung và hình thức trình bày phù hợp.
– Xác định mục đích giao tiếp: Việc trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu có thể hướng tới nhiều mục đích: chia sẻ một ý tưởng sáng tạo, thu hút và kêu gọi tham gia một dự án mới, thông báo về những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện một đề tài nghiên cứu. Tùy từng mục đích giao tiếp cụ thể mà người nói lựa chọn và sử dụng các chiến lược giao tiếp khác nhau.
– Xác định những nội dung chính cần trình bày: Đề tài nghiên cứu của bạn là gì? Tại sao bạn chọn vấn đề đó? Những kết luận chính của bạn là gì? Đâu là vấn đề mới mẻ mà bạn đã phát hiện ra trong quá trình nghiên cứu? Hãy tập trung vào những nội dung thực sự mới mẻ, gây hứng thú với người nghe.
– Xác định các hình thức, phương tiện trình bày phù hợp: Để gia tăng sức hấp dẫn và thuyết phục của bài trình bày, ngoài việc sử dụng phương tiện ngôn ngữ, bạn có thể sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như ngôn ngữ cơ thể, các hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, đồ họa, bảng biểu,… Việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ cần đảm bảo một số nguyên tắc sau:
+ Tối giản: Cần tập trung vào một vài phương tiện chính để làm nổi bật những thông tin quan trọng nhất trong bài trình bày, đồng thời khai thác một cách tối đa giá trị biểu đạt của những phương tiện này. Cần hạn chế tối đa các hình ảnh, kí hiệu chỉ mang tính hình thức, không thực sự cung cấp thông tin.
+ Trực quan hóa: Cần xác định những thông tin trừu tượng, phức tạp, khiến người nghe khó có thể lĩnh hội chỉ bằng phương tiện ngôn ngữ, từ đó lựa chọn các hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu,… góp phần cụ thể hóa thông tin, phù hợp với nhận thức của người nghe.
+ Ấn tượng: Các phương tiện phi ngôn ngữ cần tác động mạnh đến giác quan, cảm xúc và thu hút sự chú ý của người nghe. Màu sắc nổi bật, các hình ảnh mới mẻ, ngôn ngữ có thể sống động, sự thay đổi ngữ điệu,… là những yếu tố có thể tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn cho bài trình bày.
2. Thực hành nói
Bài thuyết trình báo cáo kết quả nghiên cứu thường có những nội dung chính sau:
– Mở bài: Nêu tên, lí do chọn vấn đề nghiên cứu, các kết luận chính của báo cáo kết quả nghiên cứu.
– Triển khai: Tóm tắt các luận điểm chính, lựa chọn một hoặc một vài phương tiện phi ngôn ngữ để minh họa, nhấn mạnh thông tin chính cũng như thu hút sự chú ý của khán giả.
– Kết luận: Khái quát những kết quả nghiên cứu chính, gợi mở các hướng đi mới của đề tài, thể hiện một thái độ sẵn sàng đối thoại một cách chân thành, cởi mở.
Bài nói tham khảo:
Kiến trúc kinh thành, cố đô phong kiến ở Việt Nam luôn mang theo cái gì đó rất chung và rất riêng với văn hóa kiến trúc của Trung Hoa và nó luôn thể hiện nét đẹp truyền thống, văn hóa lịch sử lâu đời của người Việt. Bên cạnh quần thể kiến trúc Cố đô Huế từ xưa, người Việt vẫn luôn tự hào với kiến trúc thành Thăng Long – tòa thành đã trải qua biết bao năm tháng của lịch sử.
Như chúng ta đã biết, kinh thành Thăng Long luôn được gắn với một sự kiện lịch sử nổi tiếng đó là vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư đến Đại La và cho xây dựng kinh thành Thăng Long. Cùng với đó là hàng loạt các cung điện, lăng tẩm được xây dựng, nổi bật là công trình Điện Kính Thiên cao tới 2 tầng rộng hơn 2300 mét vuông. Thời Hậu Lê, thành Thăng Long vẫn được coi là kinh đô, trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước.
Về vị trí, kinh thành Thăng Long tọa lạc ở phía Bắc Việt Nam và được giảm dần về diện tích qua các triều đại. Ở thời Hậu Lê, hầu như không xây dựng thêm các chùa tháp mà chủ yếu là trùng tu. Thay vào đó, hàng loạt phủ đệ mới của giới quý tộc, quan lại trung ương được xây dựng, tạo ra hình ảnh một kinh thành Thăng Long đầy quyền uy, thâm nghiêm.
Về kiến trúc, trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, biến dạng, nhưng đến nay vẫn còn thấy được cả di tích trên mặt đất, dưới lòng đất, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật,… tạo thành hệ thống các di tích được đánh giá là quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích đô thị cổ, trung, cận, hiện đại của nước ta. Hiện tại, trong khu vực trung tâm Thành cổ Thăng Long – Hà Nội còn lại 5 điểm di tích nổi trên mặt đất phân bố theo trục Bắc – Nam, còn gọi là “Trục chính tâm”, “Trục ngự đạo”, gồm có: Kỳ Đài, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và kiến trúc cổng hành cung thời Nguyễn, di tích nhà và hầm D67, các công trình kiến trúc Pháp…
Kinh thành Thăng Long từ thời Lý được xây dựng theo cấu trúc ba vòng thành, gọi là “tam trùng thành quách”: vòng thành ngoài là La thành hay Đại La thành, vòng thành giữa là Hoàng thành (thời Lý – Trần – Lê gọi là Thăng Long thành, thời Lê còn gọi là Hoàng thành) và vòng thành trong cùng gọi là Cấm thành (hay Cung thành). Cấm thành từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 hầu như không thay đổi và còn bảo tồn cho đến nay hai vật chuẩn rất quan trọng: Thứ nhất là nền điện Kính Thiên xây dựng thời Lê sơ (1428) trên nền điện Càn Nguyên (sau đổi tên là điện Thiên An) thời Lý, Trần. Đó vốn là vị trí của núi Nùng (Long Đỗ – Rốn Rồng), được coi là tâm điểm của Cấm thành và Hoàng thành, nơi chung đúc khí thiêng của non sông đất nước theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, mà di tích hiện còn là nền điện với bậc thềm và lan can đá chạm rồng thế kỷ 15. Thứ hai là cửa Đoan Môn, cửa Nam của Cấm thành thời Lý – Trần – Lê. Trên vị trí này hiện nay vẫn còn di tích cửa Đoan Môn thời Lê.
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), trong sách Đại Việt địa dư chí toàn biên có đoạn mô tả khá rõ ràng về Hoàng thành Thăng Long thời Lê: “Ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn. Trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Vạn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An, ở giữa có Ngọc Giản. Trong Hoàng thành và ngoài Cung thành ở phía Đông là Thái Miếu, sau là Đông Cung”.
Để giúp thế hệ sau và bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cùng Hoàng thành Thăng Long, đêm tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đã được tổ chức thành công. Đây không chỉ là một sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch mà nó còn là cách để thế hệ sau tôn vinh, tự hào về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thuộc địa… Kinh thành Thăng Long vẫn nằm đó như một minh chứng trường tồn của lịch sử, về một thời huy hoàng đã qua đi của dân tộc. Chúng ta – thế hệ con cháu phải biết bảo tồn, gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của Hoàng thành đến thế hệ tương lai và bạn bè quốc tế.
Dưới đây là một số nguồn tham khảo để em có thể hoàn thiện bản báo cáo của mình:
1. TTXVN (2010), Thăng Long thời Lê, thời Mạc-Lê, Trung Hưng (1428-1788), Ban Tuyên giáo Trung ương.
2. Sở Du lịch Hà Nội (2020), Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Cổng thông tin điện tử Quận Ba Đình – Thành phố Hà Nội.
3. Quang Dương (2018), Hoàng thành Thăng Long – Dấu ấn văn hóa, kiến trúc độc đáo, Báo Xây dựng.
Trên đây là toàn bộ phần trình bày báo cáo của em, cảm ơn thầy, cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
3. Trao đổi, đánh giá
Người nói | Người nghe |
– Lắng nghe, trả lời câu hỏi và phản hồi về những phản biện của người nghe.
– Tự đánh giá, sửa chữa, hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu. |
– Đặt ra các câu hỏi để tìm hiểu sâu thêm về đề tài.
– Phản biện lại những nội dung vừa trình bày hoặc đưa ra một cách kiến giải khác, một nguồn thông tin khác về vấn đề. |
Để đánh giá được một bài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu, có thể tham khảo các gợi ý trong bảng sau:
Nội dung trên thuộc soạn văn 11. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được tổng hợp tại đây: