Tài liệu soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 83văn8 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 8. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!
Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 83
1. Hài kịch
Hài kịch là thể loại kịch dùng tiếng cười để châm biến, đả kích, phê phán những thói hư tật xấu, cái lố bịch, lỗi thời,…trong đời sống. Tiếng cười trong hài kịch được tạo ra bởi các mâu thuẫn (xung đột), nhân vật, hành động, lời thoại,…và một số thủ pháp trào phúng tiêu biểu.
– Xung đột trong hài kịch thường là mâu thuẫn giữa cái xấu (cái thấp hèn) với cái tốt (cái đẹp, cái cao cả), ví dụ: xung đột trong vở kịch Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ là mâu thuẫn giữa sự chân thực, thật thà với bệnh giả dối, ảo tưởng. Nhưng cũng có khi xung đột là mâu thuẫn giữa cái xấu với cái xấu, ví dụ: mâu thuẫn giữa sự dốt nát của ông Giuốc-đanh (Jourdain) và mưu mô lừa lọc của gã phó may trong vở kịch Trưởng giả học làm sang của Mô-li-e.
– Nhân vật trong hài kịch thường có sự không tương xứng giữa thực chất bên trong và hình thức bên ngoài, giữa suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm. Hành động của nhân vật mâu thuẫn với phẩm chất, vì vậy trở nên lố bịch, hài hước. Lời thoại trong hài kịch thường là ngôn ngữ phóng đại, gây cười. Ví dụ: Ông Giuốc-đanh trong vở Trưởng giả học làm sang (Mô-li-e) rất kém hiểu biết nhưng lại luôn tỏ ra thông thái, thích làm sang, bắt chước giới quý tộc. Hoặc ông Toàn Nha (chủ tịch xã) trong vở kịch Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ) không biết gì về khoa học nhưng lại luôn nói những điều to tát, cao siêu, hiện đại,…mà chính ổng cũng không hiểu.
– Thủ pháp trào phúng (biện pháp tạo ra tiếng cười) trong hài kich chủ yếu là nghệ thuật phóng đại (nói quá, cường điệu). Ví dụ: Trong Đổi tên cho xã (trích vở kịch Bệnh sĩ – Lưu Quang Vũ), những lời phát biểu của ông chủ tịch xã đã được phóng đại lên nhiều lần bằng các lời kẽ hoa mĩ, sáo rỗng để người đọc thấy rõ bệnh khoa trương, hình thức đến mức giả dối, lố bịch.
2. Truyện cười
Truyện cười là một thể loại truyện chứa đựng cái hài, dùng tiếng cười làm phương tiện chủ yếu để giải trí hoặc châm biếm, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội. Có truyện cười dân gian và truyện cười hiện đại.
Truyện cười thường ngắn gọn, cốt truyện đơn giản, ít nhân vật. Nhân vật, ngôn ngữ và các thủ pháp trào phúng trong truyện cười cũng có những điểm giống như trong hài kịch. Bối cảnh của truyện cười thường là các tình huống mâu thuẫn giữa thật và giả, nội dung và hình thức, bên trong và bên ngoài,…; kết thúc truyện cười thường bất ngờ. Truyện Treo biển (truyện cười dân gian Việt Nam) hoặc truyện Cái kính của A-dít Nê-xin đều là ví dụ tiêu biểu cho đặc điểm và bối cảnh, cốt truyện, nhân vật và ngôn ngữ của truyện cười.
3. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn
– Nghĩa tường minh của câu là nội dung thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ trong câu.
– Nghĩa hàm ẩn của câu là nội dung thông báo được suy từ nghĩa tường minh và từ ngữ cảnh. Ví dụ, ở câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”, từ nghĩa tường minh (Khi ăn quả, ta phải nhớ đến người trồng cây) có thể suy ra nghĩa hàm ẩn: “Khi hưởng thụ thành quả nhất định, cần biết ơn người tạo ra thành quả đó.”. Nghĩa hàm ẩn được sử dụng trong đời sống và trong tác phẩm văn học để diễn tả những nội dung tế nhị hoặc để tăng hiệu quả giao tiếp.
—
Nội dung trên thuộc soạn văn 8. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được tổng hợp tại đây: