Soạn bài Hướng dẫn tự học lớp 9 trang 77 Tập 1 | Cánh diều Ngữ văn 9

Tài liệu soạn bài Hướng dẫn tự học trang 77 Tập 1 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!

Soạn bài Hướng dẫn tự học lớp 9 trang 77 Tập 1 | Cánh diều Ngữ văn 9

Soạn bài Hướng dẫn tự học lớp 9 trang 77 Tập 1

Câu 1 (trang 77 sgk Ngữ Văn lớp 8 Tập 1): Tìm đọc thêm một số văn bản thông tin giới thiệu một danh lam thắng cảnh trong và ngoài nước.

Trả lời:

Phong Nha – Kẻ Bàng: Vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ giữ chân du khách

(Phương Anh)

Phong Nha – Kẻ Bàng là địa danh quen thuộc được biết đến với nhiều điểm du lịch tiêu biểu, thu hút du khách như: Động Phong Nha (động nước), động Tiên Sơn (động khô), động Thiên Đường, sông Chày – hang Tối, suối Rào Thương – hang Én, khu du lịch sinh thái suối nước Moọc, thung lũng Sinh Tồn – hang Thủy Cung.

Trong các hang động thì Phong Nha thật sự nổi bật nhất với chiều dài gần 8 km, chủ yếu với sông ngầm được xếp vào danh sách hang động có sông ngầm dài nhất thế giới.

Du khách xuống thuyền máy đi theo sông Son vào động Phong Nha. Sông Son rộng chừng 35-40m, nước xanh ngắt, trong thấu đáy, nhìn rõ cả những đàn cá đang bơi và mất khoảng 30 phút thì tới động.

Phong Nha – Kẻ Bàng níu chân du khách một phần cũng vì người dân Quảng Bình hiền lành, tốt bụng. Những người lái thuyền vô cùng nhiệt tình và niềm nở khi được phân công đưa khách đi tham quan dù họ có đang dở bữa cơm hay mệt mỏi, nóng bức vì phải phơi nắng cả ngày. Họ nói rằng, du khách tham quan mà được những giọt nước đá vôi trong động nhỏ lên người thì ắt sẽ gặp may mắn, điều này không chỉ mang hơi hướng tâm linh mà còn tạo ra sự hứng thú, bất ngờ.

Đến Phong Nha sẽ không còn phải chịu cái nắng chói chang của Quảng Bình mà thay vào đó là không khí trong lành và mát mẻ khiến du khách cảm thấy thư thái, lý thú. Xuôi thuyền hơn 600m trong động là vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ đến choáng ngợp với thạch nhũ đá vôi nhiều màu sắc với tạo hình lạ mắt. Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn kiểu du lịch mạo hiểm khi muốn khám phá tất cả các ngóc ngách của động để mở rộng tầm mắt cũng như là thử sức với sự dũng cảm của bản thân.

Sau khi thăm động nước Phong Nha, du khách thường đi thăm động khô là động Tiên Sơn. Phong Nha – Tiên Sơn là một cặp song sinh của tạo hóa. Phong Nha – Tiên Sơn là một chỉnh thể thống nhất.

Tọa lạc ở độ cao khoảng 200m trên trần động Phong Nha, động Tiên Sơn có chiều dài là 980m và không ăn chung với động Phong Nha. Nếu Phong Nha đẹp tựa chốn Thủy cung, nơi có vua Thủy Tề, có nàng Tiên cá thì Tiên Sơn là bóng dáng nơi ngự trị của Ngọc Hoàng và của các bậc Tiên đế.

Men theo vách núi quanh co uốn lượn là đường lên động Tiên Sơn, giữa lưng chừng núi có thể nhìn thấy những làng quê yên ả, những cánh đồng nho nhỏ, những đàn bò đang tắm sông mang lại một cảm giác thật thanh bình.

Để chinh phục động Tiên Sơn với vẻ đẹp hoang sơ kỳ bí, du khách phải leo hơn 500 bậc thang, mỗi bậc lại có chiều cao đáng kể, tính ra cả leo lên và leo xuống đã hơn 1000 bậc. Vì thế, động Tiên Sơn thực sự là chỉ là “phần thưởng” cho những ai đủ sức khỏe, sự dẻo dai can trường chấp nhận thử thách. Thực tế, có du khách mặc dù đã mua vé nhưng cuối cùng vẫn đành bỏ lỡ.

Hang động Thiên Đường được mệnh danh là “hoàng cung trong lòng đất” nằm trong lòng một quần thể núi đá vôi ở độ cao 191m, bao quanh là khu rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng là một điểm đến hấp dẫn. Những vòm thạch nhũ tráng lệ và huyền ảo khiến du khách thường liên tưởng về một thiên cung nơi trần thế. Trong động là vô vàn thạch nhũ với nhiều hình thù khác nhau và được những người khai phá đặt tên như: Thác Thiên Hà, Cung Giao Trì…

Bước vào động như là bước vào một thế giới khác, không chỉ bởi không khí mát mẻ, dễ chịu mà còn bởi cảnh quan nơi đây khiến du khách phải trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp thiên tạo mà không phải ở đâu cũng có.

Đến với Quảng Bình, du khách có nhiều sự lựa chọn về những địa điểm tham quan cho chuyến đi, được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp tự nhiên của các hang động, được trải nghiệm các cung bậc cảm xúc trước sự hùng vĩ của thiên nhiên và nếu ai đã đi một lần thì chắc chắn sẽ còn muốn đi thêm nhiều lần nữa.

Câu 2 (trang 77 sgk Ngữ Văn lớp 8 Tập 1): Sưu tầm tư liệu về một danh lam thắng cảnh tại quê hương em để có thể viết bài giới thiệu với các bạn.

Trả lời:

Sưu tầm tư liệu về Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương):

– Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.

– Chùa Côn Sơn thuộc phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét.

– Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê

– Đền thờ Nguyễn Trãi, khởi công xây dựng ngày 14-12-2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000 mét vuông, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền.

– Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.

– Khu vực đền Kiếp Bạc là một thung lũng trù phú ba phía có dãy núi Rồng bao bọc, một phía là Lục Đầu Giang. Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Phía trước đền có cổng lớn có ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ “Hưng thiên vô cực”, dưới có 5 chữ “Trần Hưng Đạo Vương từ”.

Nội dung trên thuộc danh mục tài liệu soạn văn 9. Các bạn có thể tham khảo bài soạn khác tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-9/