Đề cương ôn tập giữa kì 1 Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức

Soanvan xin giới thiệu Đề cương ôn tập giữa kì 1 Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi Giữa học kì 1 Ngữ Văn 7. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập giữa kì 1 ngữ văn 7 kết nối tri thức

Đề cương ôn tập giữa kì 1 Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức 

I. Nội dung ôn thi giữa kì 1 môn Ngữ văn 7

Phần 1: Truyện ngắn/Thơ 4 chữ, 5 chữ

* Nhận biết:

– Nhận biết được đề tài, chi tiết tiêu biểu trong văn bản; ngôi kể, đặc điểm của lời kể, sự thay đổi ngôi kể; tình huống, cốt truyện, không gian, thời gian trong truyện ngắn.

– Nhận biết được đặc điểm của thơ: thể thơ, từ ngữ, vần nhịp, bố cục, những hình ảnh tiêu biểu; các yếu tự sự, miêu tả được sử dụng trong thơ.

– Nhận biết được biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.

– Nhận ra từ đơn và từ phức (từ ghép và từ láy); các thành phần của câu (thành phần câu được mở rộng)

– Xác định được nghĩa của từ.

* Thông hiểu:

– Tóm tắt được cốt truyện; nêu được chủ đề, thông điệp của văn bản; hiểu được tình cảm, cảm xúc, thái độ của người kể chuyện thông qua ngôn ngữ, giọng điệu và cách kể; phân tích được tính cách nhân vật thể hiện qua cử chỉ, hành động, lời thoại.

– Hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện qua ngôn ngữ; rút ra chủ đề, thông điệp của tác phẩm; phân tích được giá trị biểu đạt của từ ngữ, hình ảnh, vần nhịp, biện pháp tu từ

– Giải thích được ý nghĩa, tác dụng của thành ngữ, tục ngữ, một số yếu tố Hán Việt; công dụng của dấu chấm lửng…

* Vận dụng:

– Thể hiện được ý kiến, quan điểm về những vấn đề đặt ra trong ngữ liệu.

– Nêu được những trải nghiệm trong cuộc sống giúp bản thân hiểu thêm về nhân vật, sự việc trong tác phẩm.

– Trình bày được những cảm nhận sâu sắc và rút ra được những bài học ứng xử cho bản thân.

– Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn riêng về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu.

Phần 2. Viết bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học.

  • Nhận biết: Nhận biết được yêu cầu của đề về kiểu văn phân tích nhân vật trong một tác phẩm văn học
  • Thông hiểu: Viết đúng về kiểu bài, về nội dung, hình thức
  • Vận dụng: Viết được bài văn phân tích nhân vật trong một tác phẩm văn học. Bố cục rõ ràng, mạch lạc, ngôn ngữ trong sáng, làm sáng tỏ nhân vật phân tích.
  • Vận dụng cao: Viết được bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học. Bài viết có đủ những thông tin về tác giả, tác phẩm, vị trí của nhân vật trong tác phẩm; phân tích được các đặc điểm của nhân vật dựa trên những chi tiết về lời kể, ngôn ngữ, hành động của nhân vật.

II. Một số đề ôn tập kiểm tra giữa kì 1 Văn 7

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

MÈO ĂN CHAY

Có một con mèo già, chậm chân, mắt mờ không vồ bắt được chuột nữa, bèn nghĩ ra một kế để lừa đàn chuột trong nhà.

Một hôm, mèo già đeo tràng hạt, gõ mõ, tụng kinh và nói rằng từ nay nó không bắt chuột nữa vì nó tu hành nên kiêng ăn thịt sống, kiêng sát sinh. Lúc đầu, đàn chuột nửa tin, nửa ngờ. Nhưng mấy ngày sau vẫn thấy mèo ngồi niệm Phật và chỉ ăn rau. Có con thử lại gần mà mèo cũng không vồ nên chúng tin là mèo già tụng kinh, sám hối thật. Vì thế, đàn chuột thường nhởn nhơ đi lại cạnh mèo già, không còn lo bị mèo ăn thịt nữa.

Một buổi tối, cả đàn lại xếp hàng một đi qua chỗ mèo già ngồi để vào hang. Mèo ta biết thế, liền cho đàn chuột chui vào hang chỉ còn lại con cuối cùng, liền vồ lấy nuốt chửng. Hôm đầu, thấy thiếu một con thì chúng đâm hoang mang. Con chuột đầu đàn nghi là mèo già bắt, hôm ấy thử đi ở cuối cùng xem sự thể ra sao.

Mèo ta nhe răng, giơ vuốt ra vồ, chuột đầu đàn chỉ kịp kêu thét lên báo cho cả đàn rồi cũng bị mèo nuốt chửng.

Từ đó lũ chuột luôn nhắc rằng chớ có bao giờ tin những kẻ độc ác giả nhân giả nghĩa mà thiệt mạng.

(https://thuvienpdf.com/chi-tiet-tang-thu-vien/133/PO-meo-an-chay)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Câu chuyện trên được kể theo ngôi thứ mấy? (Biết)

A.Ngôi thứ nhất
B.Ngôi thứ hai
C.Ngôi thứ ba
D.Kết hợp nhiều ngôi kể

Câu 2: Nhân vật chính trong truyện là mèo già. Đúng hay sai? (Biết)

A. Đúng
B. Sai

Câu 3: Trong câu văn: “Có một con mèo già, chậm chân, mắt mờ không vồ bắt được chuột nữa, bèn nghĩ ra một kế để lừa đàn chuột trong nhà.” có mấy phó từ chỉ số lượng? (Biết)

A. Một
B. Hai
C. Ba
D. Bốn

Câu 4: Sắp xếp các sự việc sau theo trình tự hợp lí? (Hiểu)

(1)Cả bầy chuột hoang mang, chuột đầu đàn thử đi cuối cùng để kiểm chứng và cũng bị mèo già tóm gọn.

(2)Mèo già không bắt được chuột, bèn nghĩ ra cách giả vờ ăn chay.

(3)Từ đó, đàn chuột không dám tin lời những kẻ độc ác, giả nhân giả nghĩa.

(4)Một hôm, mèo già vồ lấy con chuột cuối đàn.

(5)Đàn chuột thường nhởn nhơ đi lại cạnh mèo già, không còn lo bị mèo ăn thịt nữa.

A.(2) – (5) – (4) – (1) – (3)
B.(1) – (5) – (4) – (3) – (2)
C.(4) – (3) – (2) – (1) – (5)
D.(5) – (2) – (4) – (1) – (3)

Câu 5: Hành động “mèo già đeo tràng hạt, gõ mõ, tụng kinh mấy ngày liền” nhằm mục đích gì? (Hiểu)

A. Để sám hối tội lỗi
B. Để giết thời gian
C. Để đánh lừa bầy chuột
D. Để rình con mồi

Câu 6: Việc đàn chuột thường nhởn nhơ đi lại cạnh mèo già, không còn lo bị mèo ăn thịt nữa cho thấy thái độ gì của đàn chuột? (Hiểu)

A. Chủ quan
B. Tự tin
C. Thiếu cảnh giác
D. Kiêu ngạo

Câu 7: Từ “sám hối” trong câu văn: “Có con thử lại gần mà mèo cũng không vồ nên chúng tin là mèo già tụng kinh, sám hối thật” được hiểu như thế nào? (Hiểu)

A. Thú nhận tội lỗi đã gây ra
B. Ăn năn tội lỗi đã gây ra
C. Lo lắng về tội lỗi đã gây ra
D. Xấu hổ về tội lỗi đã gây ra

Câu 8: Thành ngữ “giả nhân giả nghĩa” trong câu văn: “Từ đó lũ chuột luôn nhắc rằng chớ có bao giờ tin những kẻ độc ác giả nhân giả nghĩa mà thiệt mạng.” nói đến điều gì? (Hiểu)

A. Giả vờ tỏ ra tử tế, nhân nghĩa
B. Nói những điều không đúng sự thật
C. Cố tình đánh lừa người khác
D. Che đậy việc làm sai trái

Câu 9: Em rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên? (Vận dụng)

Câu 10: Em có đồng tình với việc làm của mèo già trong câu chuyện không? Vì sao? (Vận dụng)

II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Em hãy viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu (bài viết có sử dụng các yếu tố miêu tả). (Vận dụng cao)

HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 C 0,5
2 A 0,5
3 B 0,5
4 A 0,5
5 C 0,5
6 A 0,5
7 B 0,5
8 A 0,5
9 HS rút ra được bài học phù hợp. 1,0
10 HS nêu được ý kiến đồng tình / không đồng tình và lí giải hợp lí (phù hợp với chuẩn mực đạo đức). 1,0
II VIẾT 4,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn tự sựMở bài nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử. Thân bài triển khai sư việc. Kết bài khẳng định ý nghĩa sự việc. 0,25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: sự kiện được kể lại trong văn bản là có thật và liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử. 0,25
c. Triển khai vấn đề:

HS triển khai vấn đề theo nhiều cách, nhưng cần lựa chọn chi tiết, thông tin chọn lọc, tin cậy về sự việc. Đồng thời, vận dụng tốt kĩ năng kể chuyện có kết hợp yếu tố miêu tả trong bài viết; sau đây là một số gợi ý:

– Giới thiệu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử.

– Nêu được không gian, thời gian diễn ra sự việc.

– Gợi lại bối cảnh câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật/sự kiện

– Thuật lại nội dung/diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử.

– Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật và sự kiện.

 Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về nhân vật/sự kiện.

2.5
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,5
e. Sáng tạo: Có những suy nghĩ, cảm nhận mới mẻ, sáng tạo. 0,5

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

CHÚ LỪA THÔNG MINH

Một hôm, con lừa của bác nông dân nọ chẳng may bị sa xuống một chiếc giếng cạn. Bác ta tìm mọi cách để cứu nó lên, nhưng mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không được, lừa ta vẫn kêu be be thảm thương dưới giếng.

Cuối cùng, bác nông dân quyết định bỏ mặc lừa dưới giếng, bởi bác cho rằng nó cũng đã già, không đáng phải tốn công, tốn sức nghĩ cách cứu, hơn nữa còn phải lấp cái giếng này đi. Thế là, bác ta gọi hàng xóm tới cùng xúc đất lấp giếng, chôn sống lừa, tránh cho nó khỏi bị đau khổ dai dẳng.

Khi thấy đất rơi xuống giếng, lừa bắt đầu hiểu ra kết cục của mình. Nó bắt đầu kêu gào thảm thiết. Nhưng chỉ mấy phút sau, không ai nghe thấy lừa kêu la nữa. Bác nông dân rất tò mò, thò cổ xuống xem và thực sự ngạc nhiên bởi cảnh tượng trước mắt. Bác ta thấy lừa dồn đất sang một bên, còn mình thì tránh ở một bên.

Cứ như vậy, mô đất ngày càng cao, còn lừa ngày càng lên gần miệng giếng hơn. Cuối cùng, nó nhảy ra khỏi giếng và chạy đi trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người.

(Theo Bộ sách EQ- trí tuệ cảm xúc)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Em hãy cho biết văn bản “Chú lừa thông minh” thuộc loại truyện nào? (Biết)

A. Truyện cổ tích
B. Truyện truyền thuyết
C. Truyện ngụ ngôn
D. Truyện cười

Câu 2: Văn bản “Chú lừa thông minh” được kể theo ngôi thứ mấy? (Biết)

A. Ngôi thứ ba
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ nhất số ít
D. Ngôi thứ nhất số nhiều

Câu 3: Ban đầu, khi thấy chú lừa bị sa xuống giếng, bác nông dân đã làm gì? (Biết)

A.Tìm cách để không bận tâm đến con lừa nữa
B.Tìm cách để cứu lấy con lừa
C. Nhờ hàng xóm đến để giúp con lừa
D. Đến bên giếng và nhìn nó

Câu 4: Có bao nhiêu từ láy trong câu: “Nó bắt đầu kêu gào thảm thiết”? (Biết)

A. 3
B. 2
C. 1
D. 4

Câu 5: Khi thấy đất rơi xuống giếng, con lừa đã làm gì? (Biết)

A. Kêu gào thảm thiết
B. Đứng im và chờ chết
C. Cố hết sức nhảy ra khỏi giếng
D. Bình tĩnh tìm cách

Câu 6: Hãy sắp xếp các chi tiết sau theo trình tự đúng của câu chuyện “Chú lừa thông minh”? (Hiểu)

(1)Con lừa của bác nông dân bị sa chân xuống giếng, bác nông dân tìm cách cứu nó
(2) Con lừa cố gắng xoay sở
(3)Con lừa thoát ra khỏi cái giếng
(4)Cuối cùng, bác nông dân quyết định bỏ mặc nó

A. (1) (2) (3) (4)
B. (1) (4) (2) (3)
C. (3) (1) (4) (2)
D. (3) (2) (4) (1)

Câu 7: Qua văn bản “Chú lừa thông minh”, em thấy con lừa có tính cách như thế nào? (Hiểu)

A. Bình tĩnh, thông minh
B. Nhút nhát, sợ chết
C. Nóng vội, dũng cảm
D. Chủ quan, kiêu ngạo

Câu 8: Nội dung của câu chuyện “Chú lừa thông minh” là gì? (Hiểu)

A. Buông xuôi trước những khó khăn trong cuộc sống
B. Sự đoàn kết của con người và loài vật
C. Biết thích ứng với hoàn cảnh khắc nghiệt trong cuộc sống
D. Tình yêu thương giữa con người với loài vật

Câu 9: Em hãy đóng vai chú lừa trong câu chuyện để nói một câu khuyên mọi người sau khi chú thoát chết ? (Vận dụng)

Câu 10: Từ câu chuyện “Chú lừa thông minh”, em có đồng tình với cách xử lý của bác nông dân không? Vì sao? (Vận dụng)

II. VIẾT (4,0 điểm)

Kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử. (Vận dụng cao)

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 6,0
1 C 0,5
2 A 0,5
3 B 0,5
4 C 0,5
5 A 0,5
6 B 0,5
7 A 0,5
8 C 0,5
9 Học sinh có thể trả lời bằng nhiều cách, nhưng phải đưa ra được 01 lời khuyên

VD: Mọi người cần bình tĩnh tìm cách giải quyết.

1,0
10 HS có thể đưa ra quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình.

HS phải lí giải hợp lí theo từng quan điểm cá nhân.

1,0
II VIẾT 4,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn tự sựMở bài, thân bài, kết bài. 0,25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Sự việc được kể lại trong văn bản là có thật và liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS triển khai sự việc theo trình tự hợp lí, cần vận dụng tốt các phương thức biểu đạt: miêu tả, tự sự.

– Giới thiệu sự việc có thật có liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

– Thuật lại quá trình diễn biến của sự việc

– Chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với nhân vật và sự kiện lịch sử.

– Khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết.

2.5
d. Chính tả, ngữ phápĐảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. 0,5
e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, lời kể sinh động, sáng tạo. 0,5

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

TRĂNG ƠI… TỪ ĐÂU ĐẾN?

Trần Đăng Khoa

Trăng ơi… từ đâu đến?

Hay từ cánh rừng xa

Trăng hồng như quả chín

Lửng lơ lên trước nhà

Trăng ơi… từ đâu đến?

Hay biển xanh diệu kì

Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi

Trăng ơi… từ đâu đến?

Hay từ một sân chơi

Trăng bay như quả bóng

Bạn nào đá lên trời

Trăng ơi… từ đâu đến?

Hay từ lời mẹ ru

Thương Cuội không được học

Hú gọi trâu đến giờ

Trăng ơi… từ đâu đến?

Hay từ đường hành quân

Trăng soi chú bộ đội

Và soi vàng góc sân

Trăng ơi… từ đâu đến?

Trăng đi khắp mọi miền

Trăng ơi có nơi nào

Sáng hơn đất nước em…

1968 (Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hóa dân tộc)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Bài thơ “Trăng ơi… từ đâu đến?” được viết theo thể thơ nào?

A. Tự do.
B. Lục bát.
C. Bốn chữ
D. Năm chữ.

Câu 2. Bài thơ có cách gieo vần như thế nào?

A. Gieo vần lưng.
B. Gieo vần chân.
C. Gieo vần lưng kết hợp vần chân.
C. Gieo vần linh hoạt.

Câu 3. Ở khổ thơ thứ nhất, trăng được so sánh với hình ảnh nào?

A. Quả chín.
B. Mắt cá.
C. Quả bóng.
D. Cánh rừng xa.

Câu 4. Từ “Lửng lơ” thuộc loại từ nào?

A. Từ ghép.
B. Từ láy.
C. Từ đồng nghĩa.
D. Từ trái nghĩa.

Câu 5. Hình ảnh vầng trăng gắn liền với các sự vật (quả chín, mắt cá, quả bóng…) cho em biết vầng trăng được nhìn dưới con mắt của ai?

A. Bà nội.
B. Người mẹ.
C. Cô giáo.
D. Trẻ thơ.

Câu 6. Tác dụng chủ yếu của phép tu từ so sánh được sử dụng trong câu thơ: “Trăng bay như quả bóng” là gì ?

A. Làm cho sự vật trở nên gần gũi với con người.
B. Nhấn mạnh, làm nổi bật đối tượng được nói đến trong câu thơ.
C. Làm cho câu thơ sinh động, gợi hình, gợi cảm.
D. Làm cho câu thơ giàu nhịp điệu, có hồn.

Câu 7. Theo em, dấu chấm lửng trong câu thơ “Trăng ơi… từ đâu đến?” có công dụng gì ?

A. Tỏ ý còn nhiều sự vật hiện tượng chưa liệt kê hết.
B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở, hay ngập ngừng, ngắt quãng.
C. Làm giãn nhịp câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện một từ ngữ biểu thị nội dung hài hước, châm biếm.
D. Làm giãn nhịp câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ.

Câu 8. Ý nghĩa của bài thơ “Trăng ơi… từ đâu đến?” là gì ?

A. Nhân vật trữ tình yêu trăng theo cách độc đáo.B. Trăng ở quê hương của nhân vật trữ tình là
đẹp nhất.
C. Yêu mến trăng, từ đó bộc lộ niềm tự hào về đất nước của nhân vật trữ tình.
D. Ánh trăng ở quê hương nhân vật trữ tình đặc biệt, không giống ở nơi khác.

Câu 9. Em hiểu như thế nào về câu thơ “Trăng ơi có nơi nào. Sáng hơn đất nước em…”?

Câu 10. Từ tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ, hãy bộc lộ tình cảm của em với quê hương yêu, đất nước (trong đoạn văn 3 đến 5 câu).

II. VIẾT (4.0 điểm)

Trong các bài học vừa qua, em đã được làm quen với nhiều nhân vật văn học thú vị. Đó là các bạn nhỏ với tâm hồn trong sáng, tinh tế, nhân hậu như Mên, Mon (Bầy chim chìa vôi), An, Cò (Đi lấy mật)…và cả những người cha (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ), người thầy (Người thầy đầu tiên),…hết lòng yêu thương con trẻ. Những nhân vật ấy chắc hẳn đã mang đến cho em nhiều cảm xúc và ấn tượng.

Từ ấn tượng về các nhân vật ấy hãy viết bài văn phân tích đặc điểm của một nhân vật em yêu thích.

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

…Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…

(Trích “Hạt gạo làng ta” – Trần Đăng Khoa)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:“Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ” là:

A. So sánh
C. Ẩn dụ
B. Nhân hóa
D. Hoán dụ

Câu 2. Từ lên trong câu thơ “Cua ngoi lên bờ” là:

A. Phó từ
C. Danh từ
B. Động từ
D. Tính từ

Câu 3. Các từ bảy, ba, sáu trong đoạn thơ trên là:

A. Phó từ
C. Lượng từ
B. Số từ
D. Chỉ từ

Câu 4. Hiệu quả của phép tu từ được sử dụng trong hai câu thơ Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ là:

A. Gợi ra được sức nóng của nước, đồng thời gợi ra được nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân.
C. Gợi ra mức độ khắc nghiệt của thời tiết, làm hình ảnh hiện lên cụ thể hơn
B. Gợi ra được nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân, làm hình ảnh hiện lên cụ thể hơn

D. Hình ảnh hiện lên cụ thể hơn, gợi được sức nóng của nước, mức độ khắc nghiệt của thời tiết; đồng thời gợi ra được nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân.

Câu 5. Cặp câu thơ nào có sử dụng hình ảnh tương phản:

A. Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
C. Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
B. Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
D. Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ

Câu 6. Những giá trị của “hạt gạo làng ta” mà tác giả muốn khẳng định qua đoạn thơ là:

A. Hạt gạo là sự kết tinh của công sức lao động vất vả của con người lẫn tinh hoa của trời đất.
C. Hạt gạo là sự kết tinh của tinh hoa của trời đất, mang cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.
B. Hạt gạo là sự kết tinh của công sức lao động vất vả của con người lẫn tinh hoa của trời đất, mang cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.
D. Hạt gạo là sự kết tinh của công sức lao động vất vả của con người, mang cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.

Câu 7. Từ sa trong câu thơ “Giọt mồ hôi sa” có nghĩa là:

A. Rơi xuống, lao xuống
C. Đi xuống
B. Ngã xuống
D. Đi đến một nơi nào đó

Câu 8. Cách gieo vần của đoạn thơ dưới đây là:

Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba

A. Vần lưng
C. Vần lưng, vần liền
B. Vần chân
D. Vần chân, vần cách

Câu 9. Bài học mà em rút ra được qua đoạn trích trên là gì?

Câu 10. Nhận xét về một nét nghệ thuật đặc sắc trong đoạn thơ trên?

II. VIẾT (4,0 điểm)

Viết bài văn phân tích đặc điểm của nhân vật bé Em trong đoạn trích sau:

Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho:

– Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho mà coi.

Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích, bạn nó.

Con Bích ở trong hẻm, nhà nó nghèo, má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm, con bé Em thích con Bích vì nó hiền, với lại ngồi kế nhau từ lớp một tới lớp năm, làm sao mà không thân cho được. Hôm hai mươi sáu, học buổi cuối năm, hai đứa nôn Tết quá quá trời nên tính trước, nếu mùng một con bé Em đi về ngoại thì mùng hai hai đứa đi tới nhà cô giáo. Bây giờ con bé Em tính trong đầu, tới bữa đó chắc nhiều bạn nữa, cho nên nó sẽ mặc cái áo đầm mới thắt nơ, bâu viền kim tuyến cho tụi bạn lé con mắt luôn.

Con Bích đang ngồi nướng bắp thế cho má nó đi sách cặn cho heo. Bé Em muốn khoe liền nhưng bày đặt nói gièm:

– Còn mấy ngày nữa Tết rồi hen, mầy có đồ mới chưa?

– Có, má tao đưa vải cho cô Ba thợ cắt rồi, má tao nói gần Tết đồ nhiều, dồn đống, chắc tới hai mươi tám mới lấy được.

– Vậy mầy được mấy bộ?

– Có một bộ hà.

Con bé Em trợn mắt:

– Ít quá vậy?

– Con Út Mót với con Út Hết được hai bộ. Tao lớn rồi, nhường cho tụi nó.

– Vậy à?

Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không.

Nhưng rõ ràng là con Bích không quên nó:

– Còn mầy?

– Bốn bộ. Má tao mua cho đủ mặc từ mùng một tới mùng bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn. Trong đó có bộ đầm hồng nổi lắm, hết sẩy luôn.

– Mầy sướng rồi.

Con Bích nói xong vẫn cười nhưng mắt nó xịu xuống, buồn hẳn. Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con bé Em. Hồi nhỏ nó chuyên mặc áo con trai của anh Hai nó để lại. Áo nó thì chuyền cho mấy đứa em, tới con Út Hết là đồ đã cũ mèm, mỏng tang, kéo nhẹ cũng rách. Được cái mấy chị em nó biết thân, lo học chớ không so đo chuyện cũ mới, má nó nói hoài, “Nhà mình nghèo quá hà, ráng vài năm nữa, khá giả rồi má sắm cho”. Con bé Em nhìn con Bích lom lom rồi cúi xuống, trở trở trái bắp nướng:

– Bộ đồ mầy mai chắc đẹp lắm, bữa mùng hai mầy mặc bộ đó đi nhà cô hen?

Rồi tới mùng một, mùng hai, bé Em lại rủ con Bích đi chơi. Hai đứa mặc đồ hơi giống nhau, chỉ khác là con Bích mặc áo trắng bâu sen, con bé Em thì mặc áo thun có in hình mèo bự. Cô giáo tụi nó khen:

– Coi hai đứa lớn hết trơn rồi, cao nhòng.

Hai đứa cười. Lúc đó con bé Em nghĩ thầm, mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân. Nhưng Bích lại nghĩ khác, bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, có mặc áo gì Bích vẫn quý bé Em. Thiệt đó.

(Áo Tết- Nguyễn Ngọc Tư)

Nội dung trên thuộc soạn văn 7. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được tổng hợp tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-7/