Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

Soanvan xin giới thiệu Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi Giữa học kì 2 Văn 8. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập giữa kì 2 ngữ văn 8 kết nối tri thức

Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức 

I. PHẠM VI ÔN TẬP GIỮA KÌ 2

1. Đọc hiểu

  • Truyện
  • Thơ

– Nhận biết đề tài, bối cảnh, chi tiết tiêu biểu.

– Nhận biết được nhân vật, cốt truyện, tình huống, các biện pháp xây dựng nhân vật.

– Nhận biết được các trợ từ, thán từ, thành phần biệt lập.

– Phân tích được tình cảm, thái độ của người kể chuyện.

– Phân tích được vai trò, tác dụng của cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến.

– Hiểu và lí giải được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.

– Nêu được tác dụng của trợ từ, thán từ, thành phần biệt lập được sử dụng trong văn bản.

– Nhận xét được nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả qua văn bản.

– Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của bản thân sau khi đọc văn bản.

– Vận dụng những hiểu biết về vai trò của tưởng tượng trong tiếp nhận văn học để đánh giá giá trị của tác phẩm.

2. Viết

– Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ tự do

Yêu câu cần đạt: Viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ tự do (khoảng 300 chữ), nêu được chủ đề, dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm.

– Xác định được kiểu bài viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ tự do.

– Giới thiệu tác giả, bài thơ.

– Bố cục đoạn văn được trình bày hợp lí, có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

– Xác định được cảm hứng chủ đạo của tác giả trong bài thơ.

– Nêu được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của bài thơ dựa trên những yếu tố hình thức nghệ thuật.

– Chỉ ra được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục.

– Dẫn chứng là các hình ảnh, từ ngữ,… được trích dẫn từ văn bản.

– Vận dụng các kĩ năng tạo lập văn bản để viết được đoạn văn ghi lại cảm xác về một bài thơ tự do.

– Khẳng định ý kiến, cảm nghĩ của người viết về bài thơ và đánh giá thành công nghệ thuật của bài thơ.

– Rút ra được thông điệp của tác giả được gửi gắm qua bài thơ.

II. ĐỀ THI MINH HỌA GIỮA KÌ 2 NGỮ VĂN 8

Phần I. Đọc hiểu (5,0) điểm

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Trên bãi cát những người lính đảo
Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà
Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững
Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa

Đảo tái cát
Khóc oan hồn trôi dạt
Tao loạn thời bình
Gió thắt ngang cây.

Đất hãy nhận những đứa con về cội
Trong bao dung bóng mát của người
Cay hãy gọi bàn tay về hái quả
Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi…
À ơi tình cũ nghẹn lời
Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.

(Lời sóng 4, trích Trường ca Biển, Hữu Thỉnh, NXB Quân đội nhân dân, 1994)

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

A. Thơ tự do
B. Thơ 6 chữ
C. Thơ 7 chữ
D. Thơ lục bát

Câu 2. Phương thức biểu đạt của văn bản trên là?

A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Nghị luận

Câu 3. Những phép liên kết nào được sử dụng trong đoạn trích?

A. Phép lặp, phép thế
B. Phép lặp, phép nối
C. Phép nối, phép thế
D. Phép nối

Câu 4. Đối tượng trữ tình trong văn bản trên là?

A. Biển
B. Người lính đảo
C. Những đứa con
D. Đáp án khác

Câu 5 (0,5 điểm) Cuộc sống của người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?

Câu 6 (0,5 điểm) Theo anh/chị, ý nghĩa của hai câu thơ Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững – Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa là gì?

Câu 7 (1,0 điểm) Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ Đảo tái cát – Khóc oan hồn trôi dạt – Tao loạn thời bình – Gió thắt ngang cây.

Câu 8 (1,0 điểm) Hình ảnh người lính đảo và thông điệp “kiếp người mong manh” mà nhà thơ gửi gắm ở câu thơ cuối gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của cuộc sống.

Phần II. Viết (5,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của mình về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

ĐÁP ÁN ĐỀ THI MINH HỌA

Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)

Câu

Nội dung cần đạt

Điểm

Câu 1

A. Thơ tự do

0,5 điểm

Câu 2

C. Biểu cảm

0,5 điểm

Câu 3

A. Phép lặp, phép thế

0,5 điểm

Câu 4

B. Người lính đảo

0,5 điểm

Câu 5

Cuộc sống của những người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh: bãi cát, nỗi nhớ nhà, đảo tái cát, oan hồn trôi dạt, tao loạn thời bình..

0,5 điểm

Câu 6

Ý nghĩa của hai câu thơ Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững – Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa :

– Gợi hình ảnh những người lính đảo: Ngồi quây quần bên nhau trong sự tĩnh lặng, sự sẻ chia, trong nỗi nhớ quê hương vời vợi, sự gian khổ, vất vả.

– Thể hiện tâm hồn nhạy cảm, giàu yêu thương, tinh thần kiên cường, bền bỉ của họ.

0,5 điểm

Câu 7

Hiệu quả:

– Tăng tính hàm súc và gợi tả cho câu thơ.

– Gợi nỗi đau, những mất mát lớn lao trước sự hi sinh của người lính, nỗi đau lan tỏa cả đất trời và gợi lên những nghịch lí oan trái mà người lính thời bình phải chịu. Đó là sự hi sinh thầm lặng để mang lại cuộc sống hòa bình cho Tổ quốc.

1,0 điểm

Câu 8

Có thể theo hướng sau:

– Người lính đảo có cuộc sống rất khó khăn nhưng đó là cuộc sống đầy ý nghĩa. “Kiếp người mong manh” nói về thời gian sống của mỗi cá nhân rất ngắn ngủi, hữu hạn. Bởi vậy, mỗi người đều cần biết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó để tạo nên giá trị cuộc sống.

– Giá trị cuộc sống gồm cả những giá trị vật chất như sức khỏe, tiền bạc.. cũng gồm cả những giá trị tinh thần như tri thức, phẩm chất, tâm hồn, sự cống hiến, hi sinh, quan hệ xã hội.. Con người cần tạo ra và tích lũy những giá trị đó, đồng thời biết cân bằng và hài hòa giữa các giá trị. Có như vậy mới có được cuộc sống có ý nghĩa và góp phần phát triển xã hội.

– Phê phán những con người chọn lối sống ích kỉ, thực dụng, sống hoài, sống phí.

– Liên hệ bản thân: Bản thân là người trẻ tuổi đã sử dụng thời gian như thế nào để sống có ích nhất, đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.

1,0 điểm

Phần II. Viết (5,0 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do:

Mở đoạn giới thiệu được tác giả và văn bản. Thân đoạn triển khai các yếu tố về nội dung và nghệ thuật. Kết đoạn nêu được cảm nghĩ của bản thân về bài thơ.

0,25 điểm

b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Viết đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em về bài thơ Đồng chí – Chính Hữu

0,25 điểm

c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:

1. Mở đoạn

Nêu cảm nghĩ chung về yếu tố nội dung hay nghệ thuật ở dòng, khổ, đoạn và bài thơ.

2. Thân đoạn

– Nêu cảm nhận của em về nội dung bài thơ cũng như phong cách nghệ thuật của nhà thơ Chính Hữu đã sử dụng cho bài thơ; Đồng thời qua đó thể hiện tình cảm của em dành cho những người lính.

3. Kết đoạn

Khái quát lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đã trình bày.

4,0 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25 điểm

e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng.

0,25 điểm

Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

Nội dung trên thuộc soạn văn 8. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được tổng hợp tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-8/