Soanvan xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ Văn 10 Chân trời sáng tạo. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 1 Ngữ Văn 10. Mời các bạn cùng đón xem:
Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ Văn 10 Chân trời sáng tạo
A . CÁC CẤP ĐỘ KIẾN THỨC
1. THỂ LOẠI THẦN THOẠI
Nhận biết:
– Nhận biết được không gian, thời gian trong truyện thần thoại.
– Nhận biết được đặc điểm của cốt truyện, câu chuyện, nhân vật trong truyện thần thoại.
– Nhận biết được đề tài, các chi tiết tiêu biểu, đặc trưng của truyện thần thoại.
– Nhận biết được bối cảnh lịch sử – văn hoá được thể hiện trong truyện thần thoại.
Thông hiểu:
– Tóm tắt được cốt truyện.
– Hiểu và phân tích được nhân vật trong truyện thần thoại; lí giải được vị trí, vai trò, ý nghĩa của nhân vật trong tác phẩm.
– Nêu được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.
– Lí giải được tác dụng của việc chọn nhân vật người kể chuyện; lời người kể chuyện, lời nhân vật, … trong truyện thần thoại.
– Lí giải được ý nghĩa, tác dụng của đề tài, các chi tiết tiêu biểu, đặc trưng của truyện thần thoại.
Vận dụng:
– Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do văn bản gợi ra.
– Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với nhận thức, tình cảm, quan niệm của bản thân.
Vận dụng cao:
– Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử – văn hoá được thể hiện trong văn bản để lí giải ý nghĩa, thông điệp của văn bản.
– Đánh giá được ý nghĩa, giá trị của thông điệp, chi tiết, hình tượng,… trong tác phẩm theo quan niệm của cá nhân.
2. THỂ LOẠI TRUYỆN
Nhận biết
– Nhận biết được người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện ngôi thứ nhất, điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật.
– Nhận biết đề tài, bối cảnh, chi tiết tiêu biểu trong truyện.
– Nhận biết được nhân vật, cốt truyện, câu chuyện trong truyện.
– Chỉ ra được nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Thông hiểu
– Tóm tắt được cốt truyện và lí giải được ý nghĩa, tác dụng của cốt truyện.
– Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện.
– Phân tích, đánh giá được đặc điểm của nhân vật và vai trò của nhân vật với việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
– Phân tích, lí giải được chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
Vận dụng
– Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do văn bản gợi ra.
– Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với nhận thức, tình cảm, quan niệm của bản thân.
Vận dụng cao:
– Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử – văn hoá được thể hiện trong văn bản để lí giải ý nghĩa, thông điệp của văn bản.
– Đánh giá được ý nghĩa, giá trị của thông điệp, chi tiết, hình tượng, những đặc sắc về nghệ thuật trong tác phẩm theo quan niệm của cá nhân.
3.THƠ TRỮ TÌNH
Nhận biết:
– Nhận biết được thể thơ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp tu từ trong bài thơ.
– Nhận biết được bố cục, những hình ảnh tiêu biểu, các yếu tố tự sự, miêu tả được sử dụng trong bài thơ.
– Nhận biết được nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình trong bài thơ
– Nhận biết được nhịp điệu, giọng điệu trong bài thơ.
Thông hiểu:
– Hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ.
– Phân tích được giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp và các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ.
– Nêu được cảm hứng chủ đạo, chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.
Vận dụng:
– Trình bày được những cảm nhận sâu sắc và rút ra được những bài học ứng xử cho bản thân do bài thơ gợi ra.
Vận dụng cao:
– Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử – văn hoá được thể hiện trong bài thơ để lí giải ý nghĩa, thông điệp của bài thơ.
– Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn riêng về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu.
Tham khảo tác dụng/hiệu quả một số BPTT
* Biện pháp tu từ từ vựng
– So sánh: Giúp sự vật, sự việc được miêu tả sinh động, cụ thể tác động đến trí tưởng tượng, gợi hình dung và cảm xúc
– Ẩn dụ: Cách diễn đạt mang tính hàm súc, cô đọng, giá trị biểu đạt cao, gợi những liên tưởng ý nhị, sâu sắc.
– Nhân hóa: Làm cho đối tượng hiện ra sinh động, gần gũi, có tâm trạng và có hồn gần với con người
– Hoán dụ: Diễn tả sinh động nội dung thông báo và gợi những liên tưởng ý vị, sâu sắc
– Điệp từ/ngữ/cấu trúc: Nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng – tăng giá trị biểu cảm, tạo âm hưởng nhịp điệu cho câu văn, câu thơ.
– Nói giảm: Làm giảm nhẹ đi ý muốn nói (đau thương, mất mát) nhằm thể hiện sự trân trọng
– Thậm xưng: Tô đậm, phóng đại về đối tượng.
– Câu hỏi tu từ: Bộc lộ, xoáy sâu cảm xúc (có thể là những băn khoăn, ý khẳng định…)
– Đối : Tạo sự cân đối, đăng đối hài hòa cho sự diễn đạt, nhằm thể hiện ý nghĩa nào đó.
– Đảo ngữ: Nhấn mạnh, gây ấn tượng sâu đậm về phần được đảo lên.
* Biệp pháp tu từ cú pháp:
– Phép lặp cú pháp: Lặp cú pháp là tạo ra những câu hoặc những đoạn câu có chung một kiểu cấu tạo cú pháp, làm cho câu văn có tính chất cân đối, với dụng ý tác động về nhận thức hoặc về tình cảm.
– Phép liệt kê: Liệt kê là cách sắp xếp nối tiếp những đơn vị cú pháp đồng loại (nhưng khác nhau về từ ngữ) nhằm tạo ra những ý nghĩa bổ sung về mặt nhận thức hoặc thể hiện cách đánh giá, cảm xúc chủ quan về các sự vật được đưa ra.
– Phép chêm xen: Chêm xen là cách đưa thêm từ ngữ (có khi là một tổ hợp từ có dạng một câu trọn vẹn) vào câu, nhưng không thiết lập quan hệ ngữ pháp với phần câu chứa chúng, nhằm chi tiết hóa sự việc, làm cho lời văn linh hoạt, nêu nhận xét của người thuật chuyện, bổ sung những tin mang những mục đích rất khác nhau.
II/ KĨ NĂNG
II.1/ KĨ NĂNG LÀM ĐỌC HIỂU
1/ Nhận diện được các cấp độ kiến thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng thấp
2/ Chọn và khoanh tròn đáp án ở phần trắc nghiệm (câu 1 đến câu 7).
3/ Trả lời ngắn gọn, trọng tâm các câu hỏi tự luận (câu 8 đến câu 10)
II.2/ KĨ NĂNG TẠO LẬP VĂN BẢN
1. Đánh giá phân tích một tác phẩm truyện
1.1.Yêu cầu:
Xác định rõ yêu cầu nghị luận mà đề văn đã nêu:
– Đọc lại văn bản truyện được nêu trong đề.
– Xác định vấn đề cụ thể (nội dung, hình thức) mà bài viết sẽ phân tích, đánh giá
– Suy nghĩ và thực hiện theo các bước viết bài văn nghị luận văn học.
1.2 Cấu trúc
Mở bài: giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, thể loại, vấn đề tâm đắc để viết bài nghị luận.
Thân bài:
– Tóm tắt, nêu ngắn gọn nội dung tác phẩm, cốt truyện
– Tập trung phân tích hoặc trình bày suy nghĩ về những điểm chính trên phương diện nội dung, nghệ thuật, nhân vật tâm đắc, tình huống truyện, chi tiết, sự việc tiêu biểu
*Lưu ý: nên viết đúng trọng tâm, ngắn gọn, súc tích và lựa chọn câu chữ phù hợp. Có thể kết hợp các kiểu liên kết văn bản, biện pháp tu từ để giúp bài nghị luận được điểm cao.
Kết bài: Nêu ra quan điểm và ý nghĩa tác phẩm, những bài học hay giá trị mà tác phẩm mang lại cho người đọc.
2. Đánh giá phân tích một tác phẩm thơ
2.1.Yêu cầu:
– Viết bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ là nêu lên và làm rõ ý kiến của người viết về giá trị nội dung, nghệ thuật (cái hay, cái đẹp của một tác phẩm thơ nào đó.
– Phân tích là chỉ ra và làm rõ đặc sắc nội dung và nghệ thuật biểu hiện ở từng phương diện cụ thể hoặc đi sâu tìm hiểu từng vấn đề, khía cạnh của tác phẩm thơ,
– Đánh giá là nêu nhận xét của người viết về những điều đã được phân tích. Khi đánh giá, có thể nêu cả các hạn chế cũng như những điều tâm đắc, những phát hiện riêng của bản thân về tác phẩm thơ, Phân tích và đánh giá thường kết hợp với nhau,…
2.2. Cấu trúc
– Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, tác giả, thể thơ và điều mình ấn tượng tâm đắc
– Thân bài:
+ Mạch ý tưởng cảm xúc, sự phát triển của các hình tượng chính, nét hấp dẫn riêng của bài thơ
+ Đặc sắc nội dung, nghệ thuật.
+ Hình tượng nghệ thuật, nhân vật trữ tình
– Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và thẩm mĩ của bài thơ, những suy nghĩ ấn tượng của người viết.
B CẤU TRÚC ĐỀ KIỂM TRA:
I/ ĐỌC-HIỂU (6,0 điểm)
Ngữ liệu
– Các văn bản/ đoạn trích thuộc thể loại: thần thoại, sử thi, truyện (truyện ngắn), thơ trữ tình (thơ Nôm Trung đại, thơ mới).
Các cấp độ kiến thức
Nhận biết: câu hỏi trắc nghiệm 1,2,3,4/ 2,0 điểm.
Thông hiểu: câu hỏi trắc nghiệm 5,6,7/ 1,5 điểm, câu hỏi tự luận ngắn 8/1,0 điểm.
Vận dụng: câu hỏi tự luận ngắn 9/1,0 điểm.
Vận dụng cao: câu hỏi tự luận ngắn 10/0,5 điểm.
II. VIẾT-TẠO LẬP VĂN BẢN (4,0 điểm)
Viết một bài luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm: thơ, truyện.
Nội dung trên thuộc soạn văn 10. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được tổng hợp tại đây: