Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Soanvan xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Kết nối tri thức. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 2 Ngữ văn 11. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Kết nối tri thức 

I. NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ÔN TẬP

A. Phần 1: Nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Văn bản:

– Vận dụng những hiểu biết về Nguyễn Du để đọc hiểu một số tác phẩm của đạo thi hào.

– Nhận biết và phân tích một số yếu tố của truyện thơ Nôm:cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp miêu tả, ngôn ngữ.

– Nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong tùy bút, tản văn; giữa hư cấu và phi hư cấu trong truyện kí.

– Vận dụng được kinh nghiệm đọc, trải nghiệm về cuộc sống và hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để nhận xét, đánh giá văn bản văn học.

– Nhận biết được bố cục, mạch lạc của văn bản, cách trình bày dữ liệu, thông tin của người viết và đánh giá hiệu quả đạt được; biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản.

– Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản, cách đặt nhan đề của tác giả; nhận biết được thái độ, quan điểm của người viết; thể hiện được thái độ, đánh giá đối với nội dung của văn bản hay quan điểm của ngươi viết và giải thích lí do.

– Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân biệt chủ đề chính, chủ đề phụ của trong một văn bản cho nhiều chủ đề.

– Nhận biết và phân tích được nội dung của luận đề, các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu, độc đáo trong văn bản nghị luận; đánh giá được các lí lẽ, bằng chứng mà người viết sử dụng để bảo vệ quan điểm trong bài viết; thể hiện được quan điểm đồng ý hay không đồng ý với nội dung chính của văn bản và giải thích lí do.

a. Truyện thơ Nôm

Nội dung Kiến thức
1. Khái niệm Truyện thơ Nôm là loại hình tác phẩm tự sự độc đáo của văn học trung đại Việt Nam, kết hợp phương thức tự sự và trữ tình, được viết bằng chữ Nôm, chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát.
2. Phân loại (theo tiêu chí đặc điểm nội dung và nghệ thuật Truyện thơ Nôm bình dân

– Phần lớn khuyết danh, tác giả là các Nho sĩ, trí thức bình dân;

– Cốt truyện thường được lấy từ văn học dân gian hoặc từ đời sống thực tế.

– Hình thức nghệ thuật còn thô mộc, nhưng lại có sức cuốn hút bằng vẻ đẹp bình dị, hồn nhiên.

Truyện thơ Nôm bác học

– Hầu hết có tên tác giả, là những Nho sĩ thuộc tầng lớp phong kiến quý tộc, có học vấn uyên bác; cốt truyện thường lấy từ văn học Trung Quốc hoặc mang tính tự thuật; hình thức nghệ thuật được trau chuốt, điêu luyện.

– Một số tác phẩm sử dụng chưa nhuần nhuyễn chất liệu vay mượn từ văn học Trung Quốc, có lúc rơi vào tình trạng cầu kì, khó hiểu.

3. Đề tài, chủ đề Đề tài, chủ đề của truyện thơ Nôm rất rộng mở, từ tôn giáo, lịch sử, xã hội đến cuộc sống đời thường; đặt ra nhiều vấn đề bức thiết của thời đại. Trong đó, nổi bật là cảm hứng khẳng định tình yêu tự do và cuộc đấu tranh bảo vệ hạnh phúc gia đình; tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, tố cáo, phê phán xã hội đương thời; thể hiện khát vọng công lí, công bằng.
4. Cốt truyện Các câu chuyện thường được kể theo trình tự thời gian với nhiều yếu tố ngẫu nhiên, kì ảo và thường được tổ chức theo mô hình: Gặp gỡ – Chia li – Đoàn tụ. Song mức độ đậm nhạt và nội dung của từng phần có sự thay đổi tùy theo chủ đề tác phẩm.
5. Nhân vật – Nhân vật của truyện thơ Nôm khá phong phú, đa dạng về thành phần.

– Các nhân vật vẫn mang tính loại hình, được dựng lên nhằm khái quát các đặc điểm cố định của một số tầng lớp loại người trong xã hội hoặc một loại phẩm chất nào đó.

– Nhân vật được khắc họa ở cả hai phương diện: con người bên ngoài (ngoại hình, lời nói cử chỉ, hành động,..) và con người bên trong (cảm xúc, suy nghĩ, diễn biến tâm lí,…).

– Bút pháp tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và phần nào ngôn ngữ nửa trực tiếp đã được sử dụng thành công trong việc khám phá thế giới nội tâm và khắc hoạ tính cách nhân vật.

6. Đóng góp – Truyện thơ Nôm cũng là thể loại có đóng góp to lớn vào việc phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc.

– Các tác giả đã nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, phủ định quan niệm coi thường tiếng mẹ đẻ. Nhiều tác giả truyện thơ Nôm. đã sử dụng một cách điêu luyện thể thơ lục bát, kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa của ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân.

b. Kí

Nội dung Kiến thức
Khái niệm – Kí là tên gọi một nhóm các thể/ tiểu loại tác phẩm văn xuôi phi hư cấu có khả năng dung hợp các phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thông tin,… nhằm tái hiện những trạng thái đời sống đang được xã hội quan tâm và bộc lộ trực tiếp những cảm nghĩ của tác giả.

– Tuỳ vào mục đích viết, sự bộc lộ cái tôi tác giả và cách thức tổ chức các phương tiện biểu đạt mà tác phẩm kí được gọi là tuỳ bút, tản văn, phóng sự hay là kí sự, truyện kí, hồi kí, nhật kí, du kí,…

c. Tự sự, trữ tình trong tùy bút, tản văn

Nội dung Tùy bút Tản văn
1. Khái niệm Tuỳ bút là tiểu loại kí có tính tự do cao, có bố cục linh hoạt, thường nghiêng hẳn về tính trữ tình với điểm tựa là cái tôi của tác giả. Người viết sẽ tuỳ cảnh, tuỳ việc, tuỳ theo cảm hứng mà trình bày, nhận xét, đánh giá, suy tưởng,… Nếu có miêu tả, kể chuyện thì đó cũng chỉ là cái cớ để giải bày cảm xúc, suy tư trữ tình. Tản văn là một tiểu loại kí thường sử dụng đồng thời cả yếu tố tự sự và trữ tình, có thể còn kết hợp nghị luận, miêu tả, nhằm thể hiện những rung cảm thẩm mĩ và quan sát tinh tế của tác giả về các đối tượng đa dạng trong đời sống. Cái tôi của tác giả luôn hiện diện rõ nét, nhưng việc triển khai những liên hệ, suy tưởng phần nào được tiết chế so với tuỳ bút.
2. Tự sự và trữ tình trong tùy bút, tản văn Yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình luôn có sự kết hợp linh hoạt, tuỳ vào ý tưởng trung tâm được triển khai, đối tượng của sự quan sát, chiêm nghiệm và đặc điểm phong cách nghệ thuật của người viết.

…………………………..

…………………………..

…………………………..

Các dạng bài Văn 11 Học kì 2 Kết nối tri thức

II. MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP MINH HỌA

1. Dạng 1: Đọc – hiểu

Bài tập 1. Đọc kĩ văn bản dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

Bước đi theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

A. Thể thơ lục bát

B. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt

C. Thể thơ thất ngôn trường thiên.

D. Thể thơ thất ngôn bát cú.

Câu 2. Biện pháp tu từ gì được sử dụng trong hai câu thơ “Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.”?

A. Ẩn dụ

B. Nhân hóa

C. Hoán dụ

D. Cường điệu

Câu 3. Hai câu thơ “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.” cho biết lễ hội mùa xuân diễn ra ở thời điểm nào?

A. Thời điểm cuối mùa xuân

B. Thời điểm đầu mùa xuân

C. Thời điểm giữa mùa xuân

D. Thời điểm đầu mùa hè

Câu 4. Trong đoạn thơ miêu tả cảnh lễ hội, tác giả sử dụng nhiều từ loại nào sau đây?

A. Danh từ, động từ, tính từ

B. Đại từ, danh từ, tính từ

C. Danh từ, đại từ, động từ

D. Danh từ, tình thái từ, động từ

Câu 5. Bốn câu thơ đầu miêu tả điều gì?

A. Vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên ngày xuân

B. Cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh

C. Không khí du xuân tưng bừng, nhộn nhịp

D. Cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều

Câu 6. Cụm từ “nô nức yến anh” trong câu thơ “Gần xa nô nức yến anh” gợi lên hình ảnh:

A. Từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim yến, chim oanh bay ríu rít

B. Chim yến, chim oanh vào mùa xuân thường bay từng đàn, từng đàn ríu rít

C. Khung cảnh lễ hội mùa xuân tưng bừng trong tiết Thanh minh

D. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên vào ngày xuân tưng bừng, nhộn nhịp

Câu 7. Các từ láy “tà tà”, “thơ thẩn”, “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” trong 6 câu thơ cuối có tác dụng nghệ thuật gì?

A. Gợi lên vẻ đẹp của cảnh vật, tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của chị em Thúy Kiều

B. Gợi lên không khí lễ hội mùa xuân đã tàn và cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về

C. Gợi lên vẻ đẹp của bóng chiều, phong cảnh, dòng nước và cây cầu cuối ghềnh

D. Gợi lên tâm trạng bâng khuâng, tiếc nuối vì cảnh lễ hội tưng bừng, náo nhiệt đã tàn

Câu 8. Nội dung của đoạn thơ trên là gì?

A. Bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng

B. Bức tranh thiên nhiên ngày xuân tràn đầy sức sống, sinh động

C. Bức tranh thiên nhiên ngày xuân giàu tính ước lệ, tượng trưng

D. Cảnh vật ngày xuân và cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về

Câu 9. Qua đoạn thơ trên, anh/chị học tập được gì về nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên của Nguyễn Du?

A. Ngôn ngữ chọn lọc, giàu chất tạo hình, vừa tả vừa gợi, kết hợp các từ láy và từ ghép một cách thích hợp

B. Thiên về yếu tố tả, không cần gợi, tập trung liệt kê những chi tiết, hình ảnh, màu sắc của khung cảnh thiên nhiên

C. Sử dụng nhiều điển cố, điển tích, tập trung liệt kê những đường nét, khí trời, màu sắc của khung cảnh thiên nhiên

D. Tập trung liệt kê những cảnh vật, khí trời, màu sắc, không khí, thời tiết của khung cảnh thiên nhiên

Câu 10. Trong thời đại ngày nay, lễ tảo mộ – nét truyền thống văn hóa xa xưa của dân tộc có còn được lưu giữ không?

A. Vẫn còn được lưu giữ vì đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp thể hiện tình cảm gia đình, tấm lòng thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên

B. Không còn được lưu giữ vì cuộc sống hiện đại phát triển, con người không còn thời gian quan tâm đến các lễ hội truyền thống

C. Vẫn còn được lưu giữ nhưng không rộng rãi, chủ yếu còn được bảo tồn ở các tỉnh phía Bắc nước ta

D. Vẫn còn được lưu giữ chủ yếu ở Nam Bộ nhưng chỉ một số ít gia đình đi tảo mộ, cúng tổ tiên vào tiết Thanh minh

Câu 11. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ có trong hai câu thơ: “Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”

Câu 12. Em hãy nêu cảm nhận về bốn câu đầu đoạn trích thơ.

Bài tập 2. Đọc kĩ ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi dưới đây:

[…] Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đỗi bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính? Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.

(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn năm 2012).

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là:

A. Tự sự

B. Biểu cảm

C. Miêu tả

D. Nghị luận

Câu 2. Câu chủ đề của đoạn văn trên là:

A. Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận.

B. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.

C. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đỗi bình thường.

D. Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường.

Câu 3. Các biện pháp tu từ đươc sử dụng trong đoạn văn sau là gì ?

“Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính?”

A. So sánh, liệt kê

B. Lặp cấu trúc, câu hỏi tu từ

C. Điệp từ, liệt kê

D. Câu hỏi tu từ, liệt kê

Câu 4. Phép liên kết hình thức được sử dụng để liên kết hai câu văn sau là:

“Đó là lí do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông đều làm công việc rất đỗi bình thường”

A. Phép thế.

B. Phép nối

C. Phép lặp

D. Phép đồng nghĩa

Câu 5. Từ nào sau đây đồng nghĩa với “tự ti”?

A. Tự trọng

B. Tự phụ

C. Khiêm tốn

D. Mặc cảm

Câu 6. Xét về cấu tạo ngữ pháp, các câu: “Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti.” thuộc loại câu nào?

A. Câu đặc biệt

B. Câu rút gọn

C. Câu trần thuật

D. Câu ghép

Câu 7. Nội dung chính của văn trên nói về vấn đề gi?

A. Vấn đề phân biệt tầng lớp trong xã hội, các người lao động trí óc thường sẽ khinh bỉ những người lao động tay chân.

B. Vấn đề về việc lựa chọn nghề nghiệp.

C. Vấn đề về những người sống tự ti, không chịu phấn đấu thay đổi bản thân.

D. Vấn đề về các nghề nghiệp trong xã hội và vai trò của từng nghề đối với cuộc sống.

Câu 8. Theo tác giả, lí do gì khiến chúng ta không nên “vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác”?

Câu 9. Cấu trúc “Nếu …thì” trong những câu văn sau có tác dụng gì?

“Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính?”

Câu 10. Theo em, tại sao “Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày”? Để vươn lên từng ngày em cần làm gì?

III. Đề minh họa

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu sau:

Ghi lại chữ cái đầu câu trả lời đúng nhất cho các câu hỏi từ 1 – 8

“ Bạn biết chăng, thế gian này có điều kì diệu, đó là không ai có thể là bản sao 100% của ai cả. Bởi thế, bạn là độc nhất, tôi cũng là độc nhất. Chúng ta là những con người độc nhất vô nhị, dù ta đẹp hay xấu, tài năng hay vô dụng, cao hay thấp, mập hay ốm, có năng khiếu ca nhạc hay chỉ biết gào như vịt đực.

Vấn đề không phải là vịt hay thiên nga. Vịt có giá trị của vịt, cũng như thiên nga có giá trị của thiên nga. Vấn đề không phải là hơn hay kém, mà là sự riêng biệt. Và bạn phải biết trân trọng chính bản thân mình. Người khác có thể đóng góp cho xã hội bằng tài kinh doanh hay năng khiếu nghệ thuật, thì bạn cũng có thể đóng góp cho xã hội bằng lòng nhiệt thành và sự lương thiện.

Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn không bao giờ là người trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn hơn ai hết phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó”.

(Bản thân chúng ta là những giá trị có sẵn – Phạm Lữ Ân)

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Văn bản thông tin

B. Văn bản nghị luận

C. Tản văn

D. Truyện ngắn

Câu 2. Luận đề trong văn bản trên là gì?

A. Mỗi người sinh ra có một giá trị riêng biệt

B. Trong cuộc sống có người tài giỏi và có người yếu kém

C. Giá trị của vịt và thiên nga

D. Mỗi người phải chuyên cần cố gắng từng ngày

Câu 3. Đoạn văn thứ 3 được triển khai theo cách nào?

A. Diễn dịch

B. Quy nạp

C. Song song

D. Phối hợp

Câu 4. Nghĩa của thành ngữ “ độc nhất vô nhị” là:

A. tâm địa độc ác là duy nhất

B. sự khác biệt là độc nhất

C. sự riêng biệt độc đáo là duy nhất

D. duy nhất, độc đáo, chỉ có một không có hai

Câu 5. Trong các nhóm từ sau, đâu là nhóm từ Hán Việt?

A. tài năng, vô dụng, thông minh, vượt qua

B. tài năng, chuyên cần, vô dụng, bẩm sinh

C. tài năng, vô dụng, thông minh, ấm áp

D. tài năng, vô dụng, thông minh, cà vạt

Câu 6. Điều kì diệu mà tác giả nói tới trong văn bản trên là gì?

A. Không ai có thể là bản sao 100% của ai cả

B. Vịt có giá trị của vịt, cũng như thiên nga có giá trị của thiên nga

C. Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một

D. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon

Câu 7. Phần in đậm trong văn bản trên sử dụng biện pháp tu từ gì?

A. Ẩn dụ

B. Đảo ngữ

C. Điệp ngữ

D. So sánh

Câu 8. Câu văn “Bạn có thể không hát hay nhưng bạn không bao giờ là người trễ hẹn.” có vai trò gì trong đoạn văn?

A. Lí lẽ

B. Dẫn chứng

C. Vừa là lí lẽ vừa là dẫn chứng

D. Luận điểm

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 7. Nêu thông điệp mà tác giả muốn gửi đến chúng ta qua văn bản ?

Câu 8. Vấn đề mà văn bản đề cập đến có ý nghĩa như thế nào với em?

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Viết văn bản nghị luận về tác phẩm Lời tiễn dặn.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Câu Nội dung cần đạt Điểm
Câu 1 B. Văn bản nghị luận 0,5 điểm
Câu 2 A. Mỗi người sinh ra có một giá trị riêng biệt 0,5 điểm
Câu 3 B. Quy nạp 0,5 điểm
Câu 4 D. duy nhất, độc đáo, chỉ có một không có hai 0,5 điểm
Câu 5 B. tài năng, chuyên cần, vô dụng, bẩm sinh 0,5 điểm
Câu 6 A. Không ai có thể là bản sao 100% của ai cả 0,5 điểm
Câu 7 C. Điệp ngữ 0,5 điểm
Câu 8 B. Dẫn chứng 0,5 điểm
Câu 9 – Nêu đúng thông điệp mà văn bản muốn gửi:

Mỗi con người đều có những giá trị tốt đẹp riêng, hãy biết trân trọng giá trị đó

1,0 điểm
Câu 10 – HS nêu được:

Em nhận ra giá trị có sẵn tốt đẹp của em là gì?

Em đã thể hiện giá trị đó như thế nào?

Em cầm làm gì để hoàn thiện bản thân mình hơn?

1,0 điểm

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Câu Nội dung Điểm
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài giới thiệu được vấn đề cần nghị luận

Thân bài triển khai được chi tiết về vấn đề nghị luận có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

Kết bài nêu khái quát lại vấn đề

0,25 điểm
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Viết văn bản nghị luận về tác phẩm Lời tiễn dặn. 0,25 điểm
c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:

1. Mở bài

Dẫn dắt và giới thiệu về truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” và đoạn trích “Lời tiễn dặn”.

2. Thân bài.

a. Tóm tắt truyện thơ và khái quát về đoạn trích

– Tiễn dặn người yêu” truyện thơ dân tộc Thái, kể về chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Chàng trai quyết ra đi làm giàu, hy vọng có thể lấy được người yêu nhưng cuối cùng, cô gái vẫn bị ép gả cho nhà giàu. Trải qua rất nhiều biến cố, họ mới có thể ở bên nhau.

– Đoạn trích “Lời tiễn dặn” phần cảm động nhất của truyện thơ, nói về cuộc chia tay giữa hai người và lời của chàng trai khi phải chứng kiến cô gái bị nhà chồng ngược đãi.

b. Phân tích đoạn trích

Phần 1: Tâm trạng, tình cảm của chàng trai và cô gái khi chia tay

– Tâm trạng rối bời, vừa lưu luyến, thủy chung, không nỡ rời xa lại vừa cay đắng, buồn bã của chàng trai:

+ Lời nói đầy cảm động.

+ Suy nghĩ, cảm xúc mãnh liệt.

+ Lời thề tình yêu son sắt.

+ Đi cùng người yêu nhưng lại nghĩ “đành lòng quay lại”, “chịu quay đi”.

⇒ Đây là cảm xúc của người có tình yêu tha thiết nhưng lại đau khổ vì hoàn cảnh thực tại.

– Tâm trạng dằn vặt, đớn đau vô cùng của cô gái:

+ Cất bước theo chồng nhưng “Vừa đi vừa ngoảnh lại”.

+ Níu kéo chàng trai ở lại thêm nữa.

+ Con đường đi tới nhà chồng trở nên xa ngái, buồn thương, đầy sóng gió.

⇒ Đây là tâm trạng bế tắc, lo lắng, sợ hãi trong tâm can người con gái khi phải bước chân vào cuộc hôn nhân không tự nguyện.

Phần 2: Hoàn cảnh, tình cảm của chàng trai và cô gái khi gặp lại nhau

– Khi đến thăm cô gái tại nhà chồng, chàng trai bị đặt vào hoàn cảnh trớ trêu, đau khổ: yêu nhau mà không đến được với nhau, nay lại nhìn cô bị nhà chồng hành hạ.

– Thái độ, hành động của chàng trai:

+ Chăm sóc, an ủi người yêu một cách tận tình và cảm thông, thương xót cho cô.

+ Thể hiện rõ thái độ phản kháng, mong muốn thoát khỏi tập tục gò bó để đến bên nhau.

+ Một lần nữa khẳng định sự vĩnh cửu của tình yêu chân chính, dù chết không thay đổi.

c. Tổng kết

– Giá trị nội dung:

+ Ca ngợi khát vọng tự do, hạnh phúc của con người.

+ Phản đối tập tục phong kiến cổ hủ.

– Giá trị nghệ thuật:

+ Điệp từ, điệp ngữ.

+ Giọng điệu tha thiết.

+ Lối nói giàu hình ảnh.

+ Sử dụng nhiều từ láy.

3. Kết bài

– Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:

– Cảm nhận chung của em về giá trị tác phẩm.

3,5 điểm
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. 0,5 điểm
e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng. 0,5 điểm
Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

 

Nội dung trên thuộc soạn văn 11. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được  tổng hợp tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-11/