Nghị luận 600 chữ về vấn đề tuổi trẻ và lòng yêu nước

Tuổi trẻ và lòng yêu nước: chủ đề nghị luận quan trọng. Khám phá vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tìm hiểu cách biểu hiện lòng yêu nước qua hành động thiết thực trong thời đại mới. SoanVan cung cấp kiến thức sâu sắc cho bài văn mẫu của bạn!

Những hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025) đã tạo nên một không khí rực rỡ và đầy cảm xúc trên khắp mọi miền đồ quốc. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với đất nước.

Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của vấn đề tuổi trẻ và lòng yêu nước.

Dàn ý cơ bản

* Mở bài: giới thiệu vấn đề nghị luận.

* Thân bài: triển khai vấn đề nghị luận:

cl. Biết giải thích vấn đề nghị luận:

– Yêu nước là tình cảm yêu quý với nơi mình sinh ra, trưởng thành; là tình cảm gắn bó, sẵn sàng cống hiến vì đất nước.

– Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy lý tưởng và khát vọng sống, là nguồn lực chính tạo nên sức mạnh dân tộc

– Trong bối cảnh hiện nay, yêu nước không chỉ là chiến đấu, mà còn là hành động thiết thực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình.

c2. Nêu được biểu hiện của vấn đề:

– Lòng yêu nước là tình cảm tự nhiên, lớn dần theo thời gian, tồn tại trong ý thức và tình cảm của mỗi người.

– Lòng yêu nước được thể hiện qua từng thời kỳ lịch sử của dân tộc: tinh thần kháng chiến chống giặc ngoại xâm; ý thức xây dựng đất nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa; trách nhiệm phát triển đất nước trong thời kì hội nhập.

– Lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở những việc lớn lao mà còn thể hiện ngay trong những hành vi, lời nói, hành động bình thường như bảo vệ lẽ phải, chống lại cái ác, phản đối phê phán cái xấu… giúp cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

c3. Xác định được ý nghĩa của vấn đề:

– Tuổi trẻ có những nhận thức đúng đắn, sống theo chuẩn mực xã hội và pháp luật; đồng thời không ngừng học hỏi, tiếp cận những tri thức mới, những công nghệ tiên tiến để trở thành công dân ưu tú.

– Lòng yêu nước giúp người trẻ gắn kết, hội nhập quốc tế: giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới, tiếp thu những tinh hoa văn hóa, khoa học từ các nước khác… từ đó thúc đẩy đất nước vững mạnh, phát triển nâng tầm giá trị trên trường quốc tế. cá. Biết liên hệ, mở rộng

– Đối thoại với quan điểm trái chiều:

Trong xã hội vẫn còn một số người trẻ có nhận thức và hành động không đúng đắn, thiếu trách nhiệm; thái độ thờ ơ, bảng quan trước những vấn đề trọng đại của đất nước; sống thụ động, thích hưởng thụ; thực trạng chảy máu chất xám….

– Mở rộng vấn đề:

Tuổi trẻ ngày nay kế thừa, phát huy quan niệm yêu nước truyền thống (yêu thiên nhiên, tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiền của dân tộc, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc…), đồng thời phát triển tư duy mở, tránh định kiến, ủng hộ cái mới tiến bộ, lan toả những giá trị nhân văn, tích cực trong cộng đồng; bảo vệ hình ảnh đất nước, hội nhập nhưng không hòa tan, giữ vững bản sắc trong phát triển.

* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

  • Dẫn dắt bằng âm nhạc cảm xúc:
    “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình” – lời hát trong bài Viết tiếp câu chuyện hòa bình của Nguyễn Văn Chung gợi nhắc đến những hy sinh thầm lặng của cha ông để mang lại cuộc sống thanh bình hôm nay.
  • Giới thiệu vấn đề nghị luận:
    Trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975–2025), việc nhìn nhận lại mối quan hệ giữa tuổi trẻ và lòng yêu nước là điều vô cùng cần thiết để hiểu rõ vai trò của thế hệ hôm nay trong công cuộc gìn giữ và phát triển đất nước.

II. Thân bài

1. Giải thích vấn đề nghị luận

  • Yêu nước là tình cảm yêu quý sâu sắc với quê hương – nơi mình sinh ra và lớn lên, là sự gắn bó, sẵn sàng hành động, cống hiến vì sự phát triển và bình yên của đất nước.
  • Tuổi trẻ là lứa tuổi đầy ắp lý tưởng, khát vọng sống, có sức khỏe, trí tuệ và nhiệt huyết. Đây là lực lượng trung tâm góp phần tạo nên sức mạnh dân tộc.
  • Trong thời đại hòa bình, lòng yêu nước không chỉ là chiến đấu nơi chiến trường, mà là hành động thiết thực như học tập tốt, cống hiến trong công việc, bảo vệ lẽ phải và sẵn sàng hy sinh thầm lặng để bảo vệ cuộc sống bình yên của cộng đồng.

2. Biểu hiện của lòng yêu nước

  • Lý lẽ: Lòng yêu nước là tình cảm tự nhiên, phát triển qua quá trình sống, học tập và rèn luyện. Nó không phải là khẩu hiệu mà là hành động cụ thể, bền bỉ.
  • Dẫn chứng 1 – từ thực tế hiện tại:
    Hàng vạn người dân – trong đó có nhiều bạn trẻ – đã xếp hàng từ rất sớm tham dự lễ diễu binh 30/4/2025. → Hình ảnh đó thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người đã hy sinh, đồng thời là minh chứng sinh động cho tinh thần yêu nước hiện hữu trong mỗi công dân.
  • Dẫn chứng 2 – từ lịch sử:
    Trần Đại Nghĩa – kỹ sư giỏi, tốt nghiệp tại Pháp, có cơ hội sống sung túc nơi trời Tây – đã chọn trở về phục vụ kháng chiến, chế tạo vũ khí cho Việt Minh.
    → Ông là minh chứng rõ nét rằng: trí tuệ chỉ có ý nghĩa khi gắn với dân tộc, với khát vọng phụng sự thay vì tư lợi cá nhân.
  • Dẫn chứng 3 – từ hiện thực đời sống:
    Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải – cán bộ trẻ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Quảng Ninh – đã anh dũng hy sinh tối 17/4/2025 khi phá án đặc biệt nguy hiểm.
    → Sự dấn thân quả cảm ấy chính là hiện thân sống động của câu nói:
    “Yêu nước là hành động, là sẵn sàng cống hiến đến phút cuối cùng vì Tổ quốc.”

3. Ý nghĩa của vấn đề

  • Với cá nhân người trẻ:
  • Giúp hình thành lối sống đúng đắn, tuân thủ pháp luật, biết sống vì cộng đồng.
  • Không ngừng học hỏi, tiếp cận tri thức, công nghệ hiện đại → trở thành công dân có ích.
  • Với xã hội và đất nước:
  • Yêu nước giúp người trẻ tự tin hội nhập quốc tế, nhưng vẫn giữ gìn và quảng bá bản sắc dân tộc.
  • Từ đó, nâng cao vị thế quốc gia, phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa.

4. Liên hệ – mở rộng

  • Phản đề – đối thoại với hiện thực tiêu cực:
  • Một bộ phận không nhỏ người trẻ có biểu hiện lệch lạc: thờ ơ, sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm, ngại dấn thân, sính hưởng thụ.
  • Dẫn chứng tiêu cực:
    Sự kiện sinh viên Đại học Văn Lang lớn tiếng xua đuổi hai cựu chiến binh mặc quân phục trong lễ diễu binh 30/4/2025.
    → Đây không chỉ là hành vi vô lễ mà còn xúc phạm nghiêm trọng ký ức dân tộc, phản ánh sự suy giảm đạo đức và lòng biết ơn trong một bộ phận giới trẻ.
  • Mở rộng tích cực:
  • Tuổi trẻ hiện đại cần kế thừa tinh thần yêu nước truyền thống: tự hào văn hóa dân tộc, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ tổ quốc khi cần.
  • Đồng thời cần phát triển tư duy mở, tiếp cận tiến bộ nhân loại, lan tỏa giá trị nhân văn và hình ảnh đẹp của đất nước ra thế giới.
  • Hội nhập nhưng không hòa tan, giữ bản sắc Việt trong lòng thế giới.

III. Kết bài

  • Khái quát lại vấn đề:
    Lòng yêu nước không phải thứ trừu tượng xa vời, mà là hành động cụ thể, là trách nhiệm, là lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ.
  • Lời nhắn gửi:
    Hôm nay, khi đất nước đã độc lập, lòng yêu nước càng cần được khơi dậy bằng những hành động thiết thực.
    Tuổi trẻ hôm nay không chỉ là người thừa hưởng thành quả hòa bình, mà còn là người viết tiếp câu chuyện dựng xây đất nước bằng tri thức, bản lĩnh và trái tim nhiệt huyết.

Những hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025) đã tạo nên một không khí rực rỡ và đầy cảm xúc trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với đất nước.

Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của vấn đề tuổi trẻ và lòng yêu nước.

Bài làm

“Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình” – lời ca trong bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung như một khúc tưởng niệm lặng thầm, nhắc thế hệ hôm nay về những mất mát lớn lao để đổi lấy ngày đất nước thống nhất. Năm mươi năm sau Ngày giải phóng miền Nam, trong sắc cờ rực rỡ khắp phố phường, tuổi trẻ không chỉ nhìn lại lịch sử với lòng biết ơn, mà còn phải soi vào đó trách nhiệm và lý tưởng của chính mình. Bởi yêu nước chưa bao giờ là khái niệm cũ, và tuổi trẻ chưa bao giờ đứng ngoài hành trình kiến thiết tương lai dân tộc.

Yêu nước là thứ tình cảm tự nhiên, gắn bó máu thịt với quê hương – nơi nuôi dưỡng hình hài, tâm hồn và lý tưởng sống. Đó không chỉ là niềm tự hào về lịch sử, mà còn là sự sẵn sàng cống hiến, dấn thân vì lợi ích chung. Tuổi trẻ – với tất cả khát vọng và lý tưởng, là lực lượng trung tâm tạo nên sức bật của đất nước. Trong thời bình, yêu nước không chỉ là hy sinh nơi chiến trường, mà là hành động thầm lặng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng tri thức, ý chí và bản lĩnh. Mỗi người trẻ đều có thể là một chiến sĩ – trên mặt trận giáo dục, khoa học, văn hóa, an ninh… nếu sống đúng và sống đẹp.

Lòng yêu nước là dòng chảy âm thầm, lớn dần theo thời gian và thấm vào ý thức mỗi con người như một phần không thể tách rời. Đó là tình cảm tự nhiên, không cần phô trương, nhưng luôn âm ỉ cháy trong trái tim những người biết tri ân và trân trọng giá trị hòa bình. Trong dịp lễ 30/4/2025, hình ảnh hàng vạn người dân xếp hàng từ sớm để dự lễ diễu binh đã trở thành biểu tượng sống động của lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc – một hành động không ồn ào nhưng đủ lay động để nhắc rằng, yêu nước đôi khi chỉ cần một sự hiện diện đầy ý nghĩa.

Qua từng chặng đường lịch sử, lòng yêu nước không ngừng biến chuyển nhưng chưa bao giờ đổi thay về bản chất. Khi đất nước bị xâm lăng, đó là ý chí quyết tử; khi đất nước hòa bình, đó là khát vọng kiến thiết. Trần Đại Nghĩa – một kỹ sư tài năng từng học tại Pháp – đã từ chối đời sống nơi trời Tây để trở về chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến. Suốt đời sống giản dị, ông trở thành hình mẫu cho chân lý giản đơn mà cao quý: trí tuệ chỉ có giá trị khi gắn với nhân dân, với lý tưởng phụng sự Tổ quốc.

Yêu nước không chỉ nằm trong những điều lớn lao, mà còn hiển hiện qua những hành động bình thường nhưng đầy bản lĩnh. Đó là khi con người dám bảo vệ điều đúng, chống lại điều sai, sống tử tế và cống hiến thầm lặng. Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải – người hy sinh khi phá án ma túy ngày 17/4/2025 – là minh chứng điển hình. Anh lựa chọn đối diện hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho cộng đồng, để lại một thông điệp giản dị mà thiêng liêng: yêu nước là dám hành động, là sống hết mình vì Tổ quốc, dù không cần một lời ca ngợi.

Lòng yêu nước, khi được nuôi dưỡng đúng đắn trong thế hệ trẻ, sẽ trở thành động lực để mỗi cá nhân hoàn thiện bản thân và góp phần kiến tạo tương lai đất nước. Người trẻ yêu nước là người biết sống có lý tưởng, có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, hành xử văn minh và không ngừng học hỏi để làm chủ tri thức, công nghệ, trở thành công dân ưu tú của thời đại mới. Họ không chỉ góp sức trong nước mà còn là cầu nối đưa Việt Nam hội nhập thế giới, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa nhân loại để làm giàu cho đất nước. Khi lòng yêu nước được đặt vào hành động thiết thực, nó sẽ giúp thế hệ trẻ không chỉ yêu quê hương bằng cảm xúc, mà còn bằng trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên, góp phần đưa dân tộc tiến bước vững vàng trên bản đồ toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những người trẻ sống trách nhiệm và lý tưởng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ mang trong mình những biểu hiện lệch lạc đáng lo ngại: thờ ơ trước vận mệnh đất nước, sống ích kỷ, ngại dấn thân và chạy theo lối sống hưởng thụ. Một dẫn chứng đau lòng là sự việc sinh viên Trường Đại học Văn Lang lớn tiếng xua đuổi hai cựu chiến binh mặc quân phục trong lễ diễu binh 30/4/2025. Hành vi ấy không chỉ thể hiện sự vô lễ cá nhân, mà còn là một sự xúc phạm nghiêm trọng tới ký ức dân tộc và những hy sinh cao cả đã làm nên hòa bình hôm nay. Đó là biểu hiện rõ ràng cho sự suy giảm đạo đức, thiếu lòng biết ơn – một thực trạng đòi hỏi xã hội phải nhìn lại cách giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ.

Trong dòng chảy phát triển không ngừng của thời đại, tuổi trẻ cần biết kế thừa tinh thần yêu nước truyền thống bằng niềm tự hào với cội nguồn văn hóa, ý thức giữ gìn bản sắc và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi cần. Đồng thời, họ phải nuôi dưỡng một tư duy cởi mở, biết tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ của nhân loại để hoàn thiện bản thân và đóng góp cho cộng đồng. Chỉ khi biết lan tỏa những giá trị nhân văn, gìn giữ hình ảnh đẹp của đất nước trong từng hành xử, người trẻ mới thực sự hội nhập mà không hòa tan, vững vàng mang hồn cốt Việt Nam sánh bước cùng thế giới.

Lòng yêu nước không phải điều gì xa vời, mà là lý tưởng sống cao đẹp được hun đúc bằng trách nhiệm và hành động cụ thể của tuổi trẻ hôm nay. Trong thời bình, yêu nước không còn là cầm súng ra trận, mà là sống tử tế, học tập nghiêm túc, làm việc tận tâm, gìn giữ giá trị văn hóa và đóng góp trí tuệ cho sự phát triển đất nước. Tuổi trẻ không chỉ là thế hệ thừa hưởng thành quả hòa bình, mà còn là người viết tiếp câu chuyện dựng xây Tổ quốc – bằng tri thức, bản lĩnh và một trái tim luôn cháy bỏng niềm tự hào mang tên Việt Nam.


Tóm lại, lòng yêu nước là ngọn lửa thiêng liêng cần được nhen nhóm và phát huy trong mỗi trái tim tuổi trẻ. Hành động thiết thực, học tập chăm chỉ chính là cách thế hệ trẻ xây dựng Tổ quốc. SoanVan mong bài viết hữu ích cho bạn. Chúc các em ôn thi môn Ngữ văn thật tốt, đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới!

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *