Soạn bài Chiếc lá cuối cùng | Cánh diều Ngữ văn 9

Tài liệu soạn bài Chiếc lá cuối cùng Ngữ văn lớp 9 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!

Soạn bài Chiếc lá cuối cùng | Cánh diều Ngữ văn 9

Soạn bài Chiếc lá cuối cùng

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 101 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

– Đọc trước văn bản Chiếc lá cuối cùng và tìm hiểu thêm thông tin về tác giả O. Hen-ri.

– Tìm một số bài phân tích tác phẩm Chiếc lá cuối cùng và viết về tác giả O. Hen-ri.

– Em hiểu thế nào là lòng nhân ái, vị tha. Hãy tìm một câu chuyện về lòng nhân ái, vị tha để có thể kể trước lớp.

Trả lời:

– Thông tin về tác giả O. Hen-ri:

+ Ô Hen-ri sinh năm 1862, mất năm 1910, tên thật của ông là William Sydney Porter

+ Quê quán: là nhà văn người Mĩ

+ Ông sinh ra trong một gia đình có cha là thầy thuốc, mẹ ông qua đời khi ông mới lên ba tuổi

+ Ông bỏ dở việc học tập năm 15 tuổi do gia cảnh nghèo khó. Ông đi nhiều nơi và làm nhiều nghề khác nhau: nhân viên, kế toán, thủ quỹ ngân hàng…

+ Sau này, khi bắt đầu với sự nghiệp văn chương, ông trở thành một nhà văn chuyên viết truyện ngắn

+ Nhiều truyện của ông đã để lại dư âm trong lòng bạn đọc như: Căn gác xép, Tên cảnh sát và gã lang thang, Qùa tặng của các đạo sĩ…

+ Những sáng tác của ông nhẹ nhàng nhưng toát lên tinh thần nhân đạo cao cả

– Vị tha là tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác; đồng thời người có lòng vị tha là người có tấm lòng nhân hậu với mọi người. Mỗi người cần rèn luyện cho mình đức tính vị tha, vị tha để được sống trong tình yêu thương chân thành nhất. Người có lòng vị tha thường là những người không tính toán thiệt hơn, hơn thua với người khác, sẵn sàng nhường nhịn trong một cuộc tranh đấu. Bên cạnh đó, người có lòng vị tha cũng là người sẵn sàng tha thứ với lỗi lầm của người khác với mình để tiếp tục duy trì mối quan hệ hiện tại. Vị tha đóng vai trò quan trọng, cốt yếu trong cuộc sống: Việc vị tha, tha thứ cho lỗi lầm của người khác góp phần làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, mối quan hệ sẽ vẫn có thể duy trì được. Vị tha với người khác sẽ làm chúng ta cảm thấy thanh thản, thoải mái hơn, đồng thời chúng ta cũng được người khác yêu thương, tôn trọng hơn.

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính Chiếc lá cuối cùng: Tác phẩm ca ngợi tình yêu thương cao cả giữa những người nghèo khổ. Qua đó ta thấy được nghệ thuật chân chính là nghệ thuật của tình yêu thương, vì sự sống của con người.

Soạn bài Chiếc lá cuối cùng | Hay nhất Soạn văn 9 Cánh diều

O. Hen-ri (1862 – 1910), Mỹ

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu 1 (trang 101 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Giôn-xi mong muốn điều gì?

Trả lời:

– Giôn-xi mong muốn kéo tấm rèm lên để nhìn cây thường xuân bên bức tường gạch.

Câu 2 (trang 102 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): “Chiếc lá cuối cùng” có ý nghĩa như thế nào với Giôn-xi?

Trả lời:

Chiếc lá cuối cùng ấy là điểm bấu víu duy nhất, là chút niềm tin ít ỏi còn lại để Giôn-xi níu giữ một chút hy vọng sống khi đang bị bệnh tật hành hạ.

Câu 3 (trang 102 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): “Chuyến đi xa xôi bí ẩn” muốn chỉ điều gì?

Trả lời:

Cụm từ chỉ cái chết.

Câu 4 (trang 102 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Hoàn cảnh ở đây có tác dụng gì?

Trả lời:

Hoàn cảnh giống như một sự thử thách. Trước đó thời tiết rất đẹp nhưng sau đó là gió mưa như đặt dây thưởng xuân vào nghịch cảnh và khiến cho Giôn-xi cảm thấy mất hết hy vọng; để rồi sau đó chiếc lá vẫn nằm trên cây như một sự khẳng định ngoan cường.

Câu 5 (trang 102 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Hình dung thái độ và tình cảm của Giôn-xi khi thấy “chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó”.

Trả lời:

Có lẽ lúc đó Giôn-xi sẽ cảm thấy thật bất ngờ, ngỡ ngàng, không ngờ sau cái đêm mưa bão như vậy mà chiếc lá vẫn ngoan cố bám trụ và cô như được tiếp thêm sức mạnh.

Câu 6 (trang 103 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Suy luận: Vì sao Giôn-xi bình phục?

Trả lời:

Giôn-xi bình phục vì cô đã hy vọng, khát khao sự sống từ chiếc lá quật cường kia, cô đã ăn cháo, uống sữa và muốn ra ngoài

Câu 7 (trang 103 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Sự việc cụ Bơ-men mất tạo nên điều bất ngờ gì?

Trả lời:

Điều bất ngờ là cụ Bơ-men mất vì đã tạo nên chiếc lá thường xuân cuối cùng trong đêm mưa bão để thắp nên hy vọng sống cho cô gái trẻ.

Câu 8 (trang 103 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Kết thúc truyện giúp người đọc hiểu ra điều gì?

Trả lời:

Chiếc lá cuối cùng mà cụ Bơ-men vẽ tuy chỉ là một chiếc lá nhưng nó là kiệt tác vì nó được tạo nên từ tình yêu thương, lòng nhân hậu và mong ước về khát vọng sống cho con người của một người nghệ sĩ.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 103 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Tóm tắt truyện trong khoảng 5-7 dòng. Nhan đề Chiếc lá cuối cùng có liên quan như thế nào đến nội dung câu chuyện?

Trả lời:

– Tóm tắt: Xiu và Giôn-xi là hai nữ hoạ sĩ trẻ. Giôn-xi bị bệnh sưng phổi rất nặng. Cô tuyệt vọng không muốn sống nữa. Cô chỉ đợi chiếc lá cuối cùng rụng xuống là sẽ lìa đời. Biết được ý nghĩ điên rồ đó, cụ Bơ-men – một hoạ sĩ già – đã thức suốt đêm mưa gió để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá cuối cùng không rụng đã làm cho Giôn-xi suy nghĩ lại, cô hi vọng và muốn được sống, được sáng tạo. Giôn-xi đã từ cõi chết trở về. Trong khi đó, cụ Bơ-men đã chết vì sáng tạo kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu Giôn-xi.

– Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của O. Hen-ri:

+ Đó là chiếc lá thường xuân sinh động như thật do cụ Bơ-men đã vẽ với mong muốn truyền thêm niềm tin và hi vọng để Giôn-xi chiến thắng bệnh

+ Đó là một tác phẩm nghệ thuật bởi một người nghệ sĩ tâm huyết, ông đã vẽ bằng cả tấm lòng.

+ Chiếc lá cuối cùng là hình tượng nghệ thuật, xuyên suốt tác phẩm văn học – là biểu tượng của lòng nhân ái, vị tha cao cả.

Ta có thể nhận thấy “Chiếc lá cuối cùng” là một tiêu đề vô cùng ấn tượng, nó để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người đọc. Đây cũng là hình ảnh thể hiện chủ đề của chuyện, gắn liền với diễn biến tâm trạng của cả ba nhân vật

Câu 2 (trang 103 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Truyện được kể ở ngôi thứ mấy? Dẫn ra và phân tích tác dụng của một số lời người kể chuyện và lời nhân vật.

Trả lời:

– Truyện được kể ở ngôi thứ ba.

– Một số lời người kể chuyện và lời nhân vật:

+ Người kể chuyện: “Sang đến nơi, họ sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ… Một cơn mưa lạnh lẽo, dai dẳng vẫn đang rơi, lẫn cùng với tuyết…”.

=> Tường thuật lại câu chuyện, miêu tả khung cảnh và các nhân vật một cách khái quát

+ Lời nhân vật: “…Hôm nay nó sẽ rụng thôi và cùng lúc đó thì em sẽ chết”.

=> Cho thấy suy nghĩ và tâm trạng nhân vật.

Câu 3 (trang 103 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Tình huống truyện có gì hấp dẫn? Kết thúc truyện có gì độc đáo? Nếu Xiu và Giôn-xi biết cụ Bơ-men sẽ vẽ chiếc lá trên tường thì câu chuyện có còn hấp dẫn không? Vì sao?

Trả lời:

– Tình huống trong truyện là tình huống đảo ngược. Tình huống đảo ngược trước tiên diễn ra với nhân vật Giôn – xi. Hoàn cảnh túng thiếu lại ốm nặng, cô luôn tự nói với mình rằng cô sẽ không sống lâu nữa và khi cây thường xuân rụng hết lá cô cũng chết. Thấy thân cây chỉ còn vài chiếc lá Giôn-xi và Xiu đều nghĩ rằng ngày mai sẽ chẳng còn chiếc lá nào bám trên cành cây nữa. Vì vậy, Xiu cũng đã vô cùng tuyệt vọng. Cô không còn gì để khuyên Giôn-xi trước thái độ quả quyết của cô ấy. Nếu ai đọc cũng đều nghĩ cứ cố chấp như vậy Giôn-xi sẽ chết. Nhưng cũng vào đúng cái lúc người đọc tin rằng lá thường xuân rụng hết thì một tình huống bất ngờ đã làm đảo lộn mọi dự đoán.

Sự đảo ngược tình huống còn diễn ra đối với cụ Bơ-men. Khác Giôn-xi, lâu nay, cụ vẫn khỏe mạnh. Thế mà, thật bất ngờ, hai ngày sau khi Giôn-xi hồi sinh, cụ lại ra đi cũng bởi căn bệnh viêm phổi. Bơ-men chết, người ta mới hiểu hết tấm lòng cao thượng của người nghệ sĩ đã thất bại trong đường đời.

– Truyện đã sử dụng thành công thủ pháp đảo lộn tình thế hai lần một cách đột ngột, bất ngờ để hấp dẫn người đọc và bộc lộ chủ đề, để lại dư âm, suy nghĩ sâu lắng trong lòng người đọc. Kết truyện cho thấy tấm lòng cao cả của cụ Bơ-men và bài học về lòng khát vọng sống.

– Nếu Xiu và Giôn-xi biết cụ Bơ-men sẽ về chiếc lá trên tường thì câu chuyện không còn hấp dẫn vì Giôn-xi sẽ không cảm thấy chiếc lá kia ngoan cường và không còn được truyền động lực thức tỉnh nữa.

Câu 4 (trang 104 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Phân tích tâm trạng của Giôn-xi qua hai lần yêu cầu “kéo mành lên“. Vì sao “chiếc lá cuối cùng” đã giúp Giôn-xi hồi sinh?

Trả lời:

– Nhân vật Giôn-xi yếu đuối, tuyệt vọng:

+ Đợi chiếc lá cuối cùng rụng xuống là kết thúc cuộc sống của mình

+ Giôn-xi thờ ơ, bỏ mặc bản thân mặc dù Xiu hết lòng thương yêu, chăm sóc.

– Phản ứng trước hai lần kéo mành:

+ Lần 1: Giôn-xi sợ chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng, Xiu lo lắng.

+ Lần 2: Cả Giôn-xi và Xiu đều sững sờ, ngạc nhiên vì chiếc lá vẫn còn trên cây.

– Nguyên nhân sự hồi sinh của Giôn-xi:

+ Do cô thấy hình ảnh chiếc lá thường xuân giàu sức sống sau đêm mưa bão

+ Giôn-xi không muốn phụ tấm lòng của Xiu, cụ Bơ-men

– Kết thúc truyện nhà văn không để Giôn-xi lên tiếng hay có trạng thái tâm lý nào khác:

+ Kết mở để mọi người tự hình dung ra phản ứng của Giôn-xi

+ Dư vị của tình người, của niềm tin, của sự hi sinh… vẫn còn mãi.

Câu 5 (trang 104 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Nếu là Giôn-xi, em sẽ có suy nghĩ, cảm xúc như thế nào khi nghe Xiu kể lại sự việc cụ Bơ-men đã qua đời vì sưng phổi sau đêm vẽ “chiếc là cuối cùng“?

Trả lời:

Nếu là Giôn-xi, em sẽ cảm thấy rất đau lòng, xúc động và áy náy trước nguyên nhân cụ Bơ-men qua đời. Và sau đó sẽ cố gắng sống thật tốt để không uổng phí cơ hội sống mà cụ bơ-men đã đem lại.

Câu 6 (trang 104 sgk Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Vì sao “chiếc lá cuối cùng” mà cụ Bơ-men vẽ lại được coi là một “kiệt tác“? Theo em, truyện nhằm gửi đến người đọc thông điệp gì?

Trả lời:

* Nói đây là một kiệt tác vì:

– Thứ nhất vì đó là một bức vẽ đẹp hoàn hảo, giống thật đến nỗi cả Giôn-xi và Xiu đều bị nhầm tưởng đó là chiếc lá thường xuân thật đang cố bám níu trên bức tường gạch.

– Thứ hai, điều quan trọng khiến bức họa trở thành kiệt tác, đó là bởi nó đã cứu sống được Giôn-xi. Chiếc lá thường xuân cuối cùng ấy đã mang lại nghị lực, khát vọng được sống cho cô họa sĩ trẻ đáng thương. Sau bao nhiêu gió bão, chiếc lá vẫn kiên cường bám trên bức tường gạch khiến cho Giôn-xi hiểu ra mình cần phải mạnh mẽ để sống tiếp.

– Thứ ba, bức vẽ Chiếc lá cuối cùng ấy không chỉ đáng giá bằng tính mạng của Giôn-xi mà hơn thế nữa, nó còn được đánh đổi bằng chính tính mạng của cụ Bơ-men. Cụ đã dùng hết tâm huyết của mình, trong đêm gió bão để vẽ lên nó với hi vọng chiếc lá “giả” ấy có thể mang lại điều kì diệu. Kiệt tác “Chiếc lá cuối cùng” ấy chính là biểu hiện cao đẹp nhất cho tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh, lòng vị tha của cụ Bơ-men, cũng như tình yêu thương giữa những con người nghèo khổ đất Mĩ.

* Thông điệp: tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ với nhau. Chính tình yêu thương đã thắp sáng tâm hồn, trái tim lương thiện của Xiu, cũng chính tình yêu thương đã khiến cụ Bơ – men sẵn sàng hi sinh mạng sống để cứu Giôn – xi, đem lại nghị lực sống cho cô.

Nội dung trên thuộc danh mục tài liệu soạn văn 9. Các bạn có thể tham khảo bài soạn khác tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-9/