Tài liệu soạn bài Hướng dẫn tự học lớp 11 trang 121 Ngữ văn lớp 11 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 11. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!
Soạn bài Hướng dẫn tự học lớp 11 trang 121
Câu 1. (trang 121 Sách giáo khoa Văn11 Tập 2): Tìm đọc các văn bản kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Sếch-xpia), Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)…. Ghi lại những ấn tượng, cảm xúc, băn khoăn…. của em khi đọc các văn bản này.
Trả lời:
– Kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Sếch-xpia), đoạn trích làm thể hiện tình yêu say đắm của Rô-mê-ô và Giu-li-ét, tình yêu của họ diễn ra trên cái nền của mối thù hận sâu sắc giữa hai dòng họ của hai người. Qua đó làm nôỉ bật lên sự mãnh liệt và dũng cảm trong tình yêu của họ mặc dù còn nhiều lo lắng, băn khoăn.
– Kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ): Kết của vở kịch có ý nghĩa triết lý sâu sắc, đó là sự gieo mầm cho những gì nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn, là sự sống trong tâm hồn mỗi người. Trương Ba chính là tấm gương về lòng nhân hậu, thanh cao.
– Kịch Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), bi kịch của Vũ Như Tô có ý nghĩa nhân sâu sắc ở chỗ bằng khát vọng sáng tạo nghệ thuật để vươn đến cái đẹp toàn bích, muốn mang tài năng tạo nên giá trị tinh thần vĩnh cửu. Nhưng khát vọng đẹp đẽ của nghệ sĩ không được hiểu đúng, đã bị nhân dân hủy diệt. Đây là bài học đau đớn về số phận của nghệ sĩ và nghệ thuật, mà không ít lần lịch sử đã phải trả giá.
Câu 2. (trang 121 Sách giáo khoa Văn11 Tập 2): Đọc sách, báo hoặc truy cập internet để tìm hiểu và thu thập những thông tin cần thiết liên quan đến thể loại bi kịch (nhân vật, xung đột).
Trả lời:
Những thông tin cần thiết liên quan đến thể loại
Xung đột là một trong những đặc trưng mang tính bản chất của nghệ thuật sân khấu kịch. Các nhà nghiên cứu sân khấu cho rằng, không có xung đột không thành kịch, xung đột chi phối mọi hoàn cảnh, tình huống, thể tài, không khí, tính cách… của nhân vật kịch và góp phần tích cực tạo nên sức hấp dẫn của vở diễn. Từ thời cổ đại, xung đột trong kịch đã là sự khái quát hóa những mâu thuẫn từ cuộc sống và mang được ý nghĩa xã hội. Hình thái xung đột phổ biến trong suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật kịch là những xung đột mang tính chất đối lập, đối kháng như: Tốt – xấu, cũ – mới, thiện – ác…
Trong cuốn sách Lý luận và kỹ xảo viết kịch, J.W Lawson cho rằng: “Đặc trưng cơ bản nhất của kịch là xung đột ý chí có ý nghĩa xã hội – cuộc xung đột giữa những con người với nhau, giữa cá nhân với tập thể, giữa hai tập thể với nhau, giữa cá nhân hay tập thể với một lực lượng xã hội hoặc lực lượng tự nhiên. Trong cuộc xung đột này, ý chí là nhân tố dùng để thực hiện những mục tiêu rõ ràng và nhất định nào đó, nó phải đủ mức biến xung đột kịch thành tai biến” [1].
Theo PGS Tất Thắng: “Xung đột kịch, có thể coi là sự kịch hoá, sự nghệ thuật hoá những mâu thuẫn của cuộc sống ở hình thái đỉnh điểm, cao trào… Xung đột kịch vừa là sự diễn tả những mâu thuẫn của đời sống được đẩy lên đỉnh điểm, vừa là sự diễn tả đời sống ở hình thái mâu thuẫn cũng được đẩy lên đỉnh điểm. Rõ ràng là kịch diễn tả hiện thực, trình bày cuộc sống bằng hình thái xung đột, bằng ngôn ngữ xung đột” [2].
Nhà viết kịch Trần Vượng quan niệm rằng: “Xung đột là sự va chạm, sự chống đối, sự đấu tranh giữa hai hay hơn hai sức mạnh có tính chất đối lập với nhau” [3].
Trong bài giảng của mình tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, PGS.TS Phạm Duy Khuê nói rằng, xung đột chính là cấp độ ba của tính kịch. Đó là khi hai mặt của một kết cấu hoặc hai kết cấu có liên quan hữu cơ với nhau, nhưng chúng va chạm nhau, xâm hại nhau, bài trừ nhau để tạo nên bước ngoặt, bước nhảy vọt, hoặc triệt tiêu một vế để tạo ra chất, lượng mới của sự phát triển.
Nhà nghiên cứu Huy Liên cho rằng: “Xung đột kịch được hình thành trên cơ sở sự va chạm, đối lập và đấu tranh giữa con người với con người, hoặc giữa con người với hoàn cảnh xã hội hay tự nhiên. Xung đột được xuyên thấm và khúc xạ qua các tính cách và tâm trạng, nó hoặc là trải qua quá trình phát triển lên tới độ cao nhất để bùng nổ thành tai biến, hoặc là mở rộng ra qua các môi trường cuộc sống, để đi cho trọn con đường của nó” [4].
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã từ nhiều góc tiếp cận, cách nhìn khác nhau để nhận định về xung đột kịch, song họ đều gặp nhau ở điểm chung khi kết luận xung đột trong kịch là giai đoạn cao nhất của sự va đập giữa những mâu thuẫn từ cuộc sống. Nó được nghệ thuật hoá qua lăng kính sáng tạo của người nghệ sĩ, do đó luôn mang ý nghĩa xã hội và cần phải có ý nghĩa xã hội.
Xung đột vốn được coi là hơi thở, là máu thịt của kịch. Vậy trên thực tế, kịch có thể thiếu xung đột không? Vào những năm 1950 của thế kỷ XX, ở phương Tây từng xuất hiện một hình thức được coi là sân khấu mới, đó là kịch phi lý mà các nhà phê bình sân khấu vẫn gọi là phản kịch. Ở đó, những người làm sân khấu đã phế bỏ các quy tắc truyền thống mà sân khấu thế giới đã xác lập từ thời cổ đại – gạt bỏ tầm quan trọng của thời gian, không gian sân khấu, coi nhẹ cốt truyện, hạ thấp vai trò của ngôn ngữ… Vở diễn không có một nội dung câu chuyện hoàn chỉnh, không có hành động xuyên và cũng không tồn tại kết cấu, bố cục. Theo đó, xung đột kịch không tồn tại, đồng thời cũng không có sự nuôi dưỡng, phát triển xung đột kịch.
Trong giáo trình Nghệ thuật biên kịch giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, nhà viết kịch Trần Vượng đã viết về kịch phi lý rằng: “Không có hành động, lại dẫn đến chỗ không có xung đột… nghĩa là không có xung đột được tổ chức chặt chẽ trên ngoại tuyến giữa những nhân vật thuộc các bên đối địch, và trên nội tuyến giữa những nhân vật trong cùng một phe. Cũng không có xung đột nội tâm trong từng nhân vật” [5].
Và, kịch phi lý cũng sớm chấm dứt vai trò của nó chỉ sau 15 năm tồn tại. Sau những thăng trầm, lịch sử nghệ thuật sân khấu thế giới và Việt Nam đều chứng minh rằng, những vở kịch hấp dẫn nhất, có sức sống lâu bền nhất, để lại nhiều dấu ấn nhất… đều là những vở diễn xây dựng và thể hiện thành công xung đột kịch. Tác giả và ekip sáng tạo của những vở diễn này đều đã khái quát thành công những mâu thuẫn, xung đột từ cuộc sống, điển hình hóa và cụ thể hóa nó trong tác phẩm. Nhiều tác giả đã đạt tới tầm khái quá hóa cả hiện thực xã hội rộng lớn, trở thành vấn đề của nhân loại, của xã hội loài người qua xung đột của tác phẩm như Shakespeare (Hamlet, Othello, Romeo và Juliet…); Anton Pavlovich Chekhov (Vườn anh đào); Henrik Ibsen (Nhà búp bê, Hồn ma bóng quỷ, Con vịt trời…)…
Xung đột trong tác phẩm kịch được thể hiện rất đa dạng và phong phú, các nhà nghiên cứu đã tiếp cận nó cả trên phương diện nội dung và hình thức.
Về hình thức, Nhà viết kịch Trần Vượng trong bài viết Xung đột đăng trên Tạp chí sân khấu cho rằng: “Xung đột có rất nhiều dạng không sao kể xiết, đó là xung đột xô xát, xung đột đè nén, xung đột đấu trí, xung đột tranh luận, xung đột nội tâm, xung đột dưới dạng gặp nhiều trở ngại khó khăn…” [3].
– Xung đột xô xát bao gồm những việc như cản ngăn, mắng nhiếc, đánh lộn, đấu kiếm, bắt bớ, khám xét, tra hỏi… gắn với rất nhiều động tác, cử chỉ và sự chuyển động xê dịch, vì vậy nó gây được hiệu quả sân khấu.
– Xung đột đấu trí là một cuộc đọ sức trong đó mỗi bên đều xử lý tình huống một cách thông minh nhất, đều biết lợi dụng chỗ mạnh của mình và khai thác chỗ yếu của người để buộc đối phương phải chấp nhận giải pháp do mình đưa ra.
– Xung đột tranh luận là sự va chạm ý kiến, sự tranh giành thắng bại bằng lời, trong đó mỗi bên đều đưa ra những lý lẽ mà mình cho là sắc bén và nhiều sức thuyết phục nhất, nhằm làm cho đối phương từ bỏ ý kiến cũ mà chấp nhận ý kiến do mình đưa ra.
– Xung đột nội tâm là sự giằng co, vật lộn giữa hai sức mạnh tinh thần ngang nhau ở trong cùng một con người… mà nếu thực hiện được cái này thì lại phản bội cái kia…
Về nội dung, PGS.TS Phạm Duy Khuê trong bài giảng của mình đã cho rằng: Xung đột chỉ nảy ra trong nhận thức, quan điểm, cách nghĩ… của con người. Xung đột phải thông qua con người, bởi vậy sẽ có những xung đột sau:
– Xung đột giữa các nhận thức (tri thức về tự nhiên, xã hội).
– Xung đột về tư tưởng (quan điểm, lập trường, tư tưởng khác nhau).
– Xung đột về quyền lợi.
– Xung đột tính cách.
– Xung đột về hoàn cảnh (địa vị, giai cấp).
Ở một góc nhìn khác, trong công trình khoa học Kịch một thể loại văn học PGS. Tất Thắng đã viết:
“Xung đột trong kịch rất đa dạng, không phải chỉ với hình thái đối lập tuyệt đối như cũ mới, thiện ác, tốt xấu (xét về nội dung của xung đột), hay ta địch, cách mạng phản động (xét về hình thức) mà còn tồn tại rất nhiều dạng thức khác nữa. Chẳng hạn như trong kịch Tsêkhôp, ta khó có thể tìm được cái xấu hoặc cái tốt hoàn toàn. Về hình thức tưởng như đó là những xung đột không gay gắt, không quyết liệt, nhưng thực ra nó rất dữ dội ở chiều sâu nội dung xung đột” [2].
PGS. Tất Thắng đã có những nhận định rất thuyết phục khi xác định rằng, bản chất của xung đột trong kịch không chỉ nằm giữa người và người với thiện ác, cũ mới, tốt xấu, mà còn xung đột giữa nhận thức và hành động, xung đột giữa khát khao với một hoàn cảnh bị kìm hãm, hoặc triệt tiêu những khát khao ấy.
Xung đột – đó là hình thái cao nhất của mâu thuẫn. Khi ở hình thái cao nhất của mâu thuẫn, tức là giai đoạn đỉnh điểm hay cao trào thì sự vật hiện tượng ắt phải đưa đến một bước chuyển lớn lao cả về chất và về lượng. Sự đấu tranh, va chạm, xô đẩy giữa chúng tất yếu sẽ đòi hỏi xác lập một mối quan hệ mới khác với ban đầu. Và mức độ của sự va chạm này càng căng, càng quyết liệt thì bản chất sự vật hiện tượng càng được bộc lộ, sức hấp dẫn càng cao. Tính chất, cấp độ của xung đột do đó bao giờ cũng dữ dội, quyết liệt và luôn song song tồn tại hai vế ngang sức, ngang tài. Bản thân sự vật trong tự nhiên không thể tự mâu thuẫn với nhau nên sẽ không xảy ra xung đột giữa chúng và cũng không có vở kịch nào thuần miêu tả mâu thuẫn đối kháng giữa hai lực lượng tự nhiên.
Cuộc đấu tranh trong kịch bao giờ cũng là cuộc đấu tranh giữa nhân vật với một lực lượng tự nhiên hay một lực lượng xã hội (hoàn cảnh), giữa nhân vật với nhân vật, hoặc nhân vật với chính mình (giữa nhận thức và hành động), qua đó, gửi những thông điệp về xã hội, con người (đạo đức, lối sống, thẩm mĩ…) đến khán giả.
Xung đột giữa nhân vật với hoàn cảnh trong tác phẩm kịch được thể hiện qua nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để chiến thắng số phận của các nhân vật kịch. Trên thực tế, nếu xét một cách khắt khe thì hoàn cảnh không thể xung đột với nhân vật, bởi mối quan hệ này không hình thành mâu thuẫn đối kháng, không phát sinh tranh chấp về quyền lợi, danh vọng, tiền bạc – những yếu tố vốn là căn cốt để hình thành mâu thuẫn, xung đột. Nhưng ẩn phía sau hoàn cảnh luôn có sự hiện hữu của con người, hoàn cảnh bị chi phối bởi con người, bởi vậy, khi hoàn cảnh đi ngược lại với mong muốn và quyền lợi của con người thì nó mâu thuẫn, xung đột với con người. Trong hoàn cảnh đó, nhân vật kịch phải nỗ lực vận động, đấu tranh vượt lên chính mình để thoát khỏi sự chi phối của hoàn cảnh. Tuỳ theo ý chí, nghị lực, tính cách của từng nhân vật kịch mà kết cục của mối xung đột này sẽ khác nhau. Đây chính là câu trả lời về số phận nhân vật kịch. Xung đột giữa hoàn cảnh và nhân vật là một dạng thức xung đột rất phổ biến trong kịch, nhất là các vở diễn mang nhiều yếu tố giả định.
Xung đột giữa nhân vật với nhân vật được thể hiện ở những hình thức cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, hoặc tập thể với tập thể. Dạng xung đột này cũng có nhiều cấp độ khác nhau, tuỳ theo tính cách nhân vật và nguyên nhân đẩy đến xung đột… Cấp độ cao nhất thường diễn ra giữa hai lực lượng có sự đối lập, trái ngược hoàn toàn về tính cách, bản chất, quyền lợi… Nhưng trên thực tế, không phải chỉ những mâu thuẫn mang tính đối lập như thiện – ác, cũ – mới, tốt – xấu, tiên tiến – lạc hậu… mới có cơ hội phát triển thành xung đột, mà ngay cả giữa những cái tốt, cái thiện, cái ác… cũng có thể xung đột với nhau nếu như giữa chúng có bất cứ mâu thuẫn nào về quan điểm, quyền lợi, hay cách hành động… Và độ căng của những xung đột này thường được biểu hiện ngầm, nhưng cũng không kém phần quyết liệt.
Xung đột giữa nhân vật và nhân vật cần phải được nuôi dưỡng liên tục trong suốt tiến trình phát triển của cốt truyện và hành động kịch. Nó được thể hiện ra ở những quan điểm, cách nghĩ, cách sống, cách hành động trái ngược mà trong quá trình nhân vật hành động để thực hiện ý chí, khát vọng của mình sẽ có tác động tới nhân vật khác, đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm và tạo thành xung đột. Hình thái xung đột này sẽ không biểu hiện được nếu như nhà viết kịch chưa làm sáng tỏ tính cách các nhân vật trong tác phẩm. Khi tính cách, khát vọng sống của nhân vật kịch không được khắc họa rõ nét, xung đột trong tác phẩm sẽ không được diễn tả một cách thuyết phục.
Khi nhân vật trong kịch tự đấu tranh với chính mình thì đó là một dạng thức đặc biệt mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là xung đột nội tâm. Nội tâm nhân vật bản thân nó không tự xung đột với nhau, mà thực chất đó là cuộc đấu tranh giữa nhận thức và hành động, để lựa chọn một cách ứng xử phù hợp. Ở đâu có nhân vật ở đó có đấu tranh nội tâm, nên cả trong xung đột giữa nhân vật với nhân vật, hoặc giữa nhân vật với hoàn cảnh đều có xung đột nội tâm. Hai dạng thức xung đột nhân vật với hoàn cảnh và nhân vật với nhân vật thể hiện ở bề nổi, còn xung đột nội tâm đi vào chiều sâu.
Như vậy, trong kịch luôn tồn tại ba dạng thức xung đột (xét về hình thức) đó là cuộc đấu tranh giữa nhân vật với hoàn cảnh, nhân vật với nhân vật và nhân vật với chính mình. Trong xung đột giữa nhân vật với nhân vật lại tồn tại hai cấp độ, đối lập và không đối lập. Không đối lập không có nghĩa là hai vế của xung đột không mâu thuẫn ở đỉnh điểm, cao trào, hay không tồn tại xung đột, mà những nhân vật đứng ở hai vế này không đối lập nhau về tính cách, nhân phẩm, hay bản chất. Ngược lại, khi hai tính cách có sự tương đồng về bản chất, nhân phẩm không có nghĩa sẽ triệt tiêu xung đột. Kịch Cầu hôn của Chekhov là điểm gặp gỡ của những tính cách giống nhau, vừa rỗi hơi, vừa hiếu thắng, nhưng chúng vẫn xung đột với nhau, thậm chí quyết liệt đến mức ngất đi tỉnh lại. Tác phẩm Cát bụi của nhà văn Triệu Huấn là sự hiện diện của hầu hết những nhân vật phản diện, khá tương đồng với nhau về bản chất nhưng cũng xung đột đến mức không thể hoá giải.
Xung đột chính là linh hồn, là sự sống còn của nghệ thuật kịch. Xung đột cũng chính là chìa khóa giúp người đạo diễn tiếp cận và lý giải chính xác kịch bản, nhân lên những giá trị của kịch bản; giúp người diễn viên nhận diện và tiếp cận, sáng tạo thành công nhân vật của mình. Xung đột là một trong những vấn đề lý luận kịch quan trọng mà sinh viên các ngành Lý luận phê bình Sân khấu; Biên kịch Sân khấu; Đạo diễn Sân khấu; Diễn viên Sân khấu-Điện ảnh… luôn được quan tâm trau dồi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Oánh, Lý luận và kỹ xảo viết kịch, Tài liệu in roneo của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam;
2. Tất Thắng, Kịch một thể loại văn học, Tài liệu in roneo của Viện Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội;
3. Trần Vượng, Xung đột. Tạp chí sân khấu số 4, năm 1982;
4. Huy Liên, Xung đột trong kịch Việt Nam và thế giới, Tài liệu in roneo của Viện Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, Tr 13;
5. Trần Vượng, Giáo trình biên kịch sân khấu, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội.
Hải Âu
Nguồn: http://daotao-vhttdl.vn/articledetail.aspx?articleid=1035&sitepageid=627
Nội dung trên thuộc soạn văn 11. Các bạn học sinh có thể theo dõi nội dung đầy đủ được tổng hợp tại đây: