Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 58 Tập 2 | Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo

Tài liệu soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 58 Tập 2văn12 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 58 Tập 2 | Ngữ văn 12 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 58 Tập 2

I. Về tác giả

NGUYỄN ÁI QUỐC – HỒ CHÍ MINH

(1890 – 1969)

1. Vài nét về tiểu sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, quê tại làng Sen (tức làng Kim Liên, nay thuộc xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng thời là nhà văn, nhà thơ kết tinh những phẩm chất nghệ sĩ và tâm hồn, cốt cách Việt Nam.

Suốt đời mình, Người đã hi sinh, phấn đấu cho độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Sau thời gian học tập ở Trường Quốc học Huế, năm 1910, thầy giáo  Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh – một trường học của tổ chức yêu nước ở Phan Thiết (nay thuộc tỉnh Bình Thuận), ít lâu sau, vào Sài Gòn, rồi từ đó ra nước ngoài tìm đường cứu nước vào năm 1911. Năm 1918, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước. Năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam ở Pháp gửi tới Hội nghị hòa bình họp ở Véc-xây (Versailles) (Pháp) bản yêu sách Quyền các dân tộc, kí tên Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trong thời gian ở Pháp, Người tích cực viết báo, viết sách tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân và đoàn kết các dân tộc thuộc địa. Từ năm 1923 đến năm 1941, Người chủ yếu hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan. Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Người chủ trì hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hương Cảng. Đầu năm 1941, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người về nước thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng để đón thời cơ giành độc lập dân tộc. Tháng 8 năm 1942, trong chuyến đi sang Trung Quốc nhằm tranh thủ sự viện trợ quốc tế đối với cách mạng Việt Nam, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, giam cầm suốt 14 tháng ở các nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây. Ra tù, Người về nước tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, ngày 02 tháng 9 năm 1945, trong cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tiếp đến, Người đã lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ của dân tộc.

Với những đóng góp lón lao cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân, cùng những tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp kết tinh trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của

Việt Nam.

2. Quan điểm sáng tác văn học

Là người am hiểu quy luật và đặc trưng của hoạt động văn học, Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của văn chương đối với sự nghiệp cách mạng và đời sống con người. Người quan niệm văn học nghệ thuật là vũ khí đấu tranh cách mạng, văn chương nghệ thuật trong thời đại cách mạng cần đề cao tính chiến đấu, chất “thép” và tinh thần “xung phong” trên tuyến đầu của “mặt trận” văn hóa nghệ thuật; làm thơ, viết văn cũng là hành động cách mạng.

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

(Hồ Chí Minh, Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”)

Với nhận thức và quan niệm như vậy, khi đặt bút viết, bao giờ Người cũng tự hỏi: “Viết cho ai?” (xác định đối tượng người đọc), “Viết để làm gì?” (xác định mục đích sáng tác); sau đó mới quyết định “Viết cái gì?” (lựa chọn nội dung) và “Viết như thế nào?” (lựa chọn sử dụng hình thức nghệ thuật). Mặt khác, Người cũng luôn tự đòi hỏi: “viết cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn”, tính chiến đấu không tách rời tình cảm, cảm xúc sâu lắng, thiết tha. Quan niệm sáng tác đó giúp cho văn thơ của Người luôn mang những vẻ đẹp hài hòa:

Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

(Hoàng Trung Thông, Đọc thơ Bác)

3. Di sản văn học

Bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, với tâm hồn nghệ sĩ mang cốt cách Việt Nam, Hồ Chí Minh còn để lại một di sản văn học có giá trị lớn lao về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Sự nghiệp văn học của Người bao gồm nhiều thể loại, trong đó các thể loại chính gồm: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca.

a. Văn chính luận: Tiêu biểu cho văn chính luận của Hồ Chí Minh là các tác phẩm được viết ở những chặng đường, những thời điểm quan trọng có tính lịch sử của cách mạng Việt Nam. Sau 16 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Người viết Đường Kách mệnh (1927). Cách mạng tháng Tám thành công, để khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ngưòi viết Tuyên ngôn Độc lập (1945). Nhằm tập hợp, kêu gọi và phát huy sức mạnh “toàn dân, toàn diện” trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946). Để cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh thống nhất nước nhà trong những năm đầu chống đế quốc Mỹ cứu nước, Người viết Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966). Chuẩn bị cho những ngày đi xa (1969), Người viết bản Di chúc và ước mong “để lại muôn vàn tình thân yêu” cho toàn thể đồng bào Việt Nam.

b. Truyện và kí: Đáng chú ý là những truyện ngắn viết băng tiếng Pháp khi tác giả còn hoạt động ở Pháp như Lời than vẫn của bà Trưng Trắc, Vi hành, Những trò lố hay là Va-ren (Varenne) và Phan Bội Châu, Con người biết mùi hun khói ,…  Bản án chế độ thực dân Pháp – một thiên phóng sự điều tra giàu tính chính luận. Về nội dung, đây là những tác phẩm tập trung phê phán bản chất tàn bạo, xảo trá của chế độ thực dân và phong kiến đối với nhân dân lao động ở các nước thuộc địa, đồng thời ngợi ca những tấm gương yêu nước và cách mạng. Về hình thức nghệ thuật, đây là các truyện, kí cho thấy một nghệ thuật tự sự linh hoạt, độc đáo, một ngòi bút châm biếm vừa sâu sắc, đầy tính chiến đấu, vừa tươi tắn, hóm hỉnh. Tính tư liệu phong phú và đầy sức thuyết phục cũng là một nét đặc sắc của những tác phẩm này, đặc biệt là

thể phóng sự.

c. Thơ ca: Trước hết phải nói đến Nhật kí trong tù (Ngục trung nhật kí). Tập thơ này ra đời trong thời gian tác giả bị giam giữ tại các nhà tù của chính quyền Quốc dân Đảng ở tính Quảng Tây (Trung Quốc) từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943. Đây là một tập nhật kí bằng thơ chữ Hán, gồm 133 bài. Với tính chất “nhật kí”, Nhật kí trong tù đã tái hiện một cách chân thực và sinh động bộ mặt của nhà tù và xã hội Trung Hoa dưới thời Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch. Với tính chất của một tập thơ trữ tình, tác phẩm đã ghi lại tâm trạng, tình cảm của nhà thơ Hồ Chí Minh trước những thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh lao tù, mang lại xúc động sâu xa trong tâm hồn người đọc:

Lại thương nỗi: đọạ đày thân Bác

Mời bốn trăng tê tái gông cùm

Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc

Mà thơ bay… cánh hạc ung dung!

(Tố Hữu, Theo chân Bác)

Có thể xem Nhật kí trong tù là bức chân dung tự hoạ, phản ánh sinh động tâm hồn, nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng – một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng” (nhận định của nhà thơ Viên Ưng, Trung Quốc).

Ngoài Nhật kí trong tù, còn có thể kể đến một số chùm thơ chữ Hán và tiếng Việt được Người sáng tác ở Việt Bắc từ năm 1941 đến năm 1945 hay trong các thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), chống để quốc Mỹ cứu nước (1965 – 1969). Trong đó, bên cạnh những bài thơ được viết với phong cách bình dân, giản dị, chủ yếu để tuyên truyền như Ca công nhân, Ca binh lính, Ca sọi chỉ,… là những tác phẩm giàu tính nghệ thuật như Tức cảnh Pác Bó, Lên núi (Thượng sơn), Cảnh khuya, Cảnh rừng Việt Bắc, Rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu), Tin thắng trận (Báo tiệp),…

4. Phong cách nghệ thuật

Nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật của tác giả Hồ Chí Minh là sự phong phú, đa dạng mà thống nhất.

a. Tính phong phú, đa dạng

Đặt các bộ phận, thể loại trong sáng tác của Hồ Chí Minh cạnh nhau, ta có thể dễ dàng nhận thấy tính phong phú, đa dạng trong phong cách nghệ thuật của Người. Chẳng hạn, Truyện và kí của Nguyễn Ái Quốc viết trong thời gian Người hoạt động

Cách mạng ở Pháp là những áng văn xuôi viết bằng tiếng Pháp mang phong cách hiện đại của phương Tây; trong khi đó, Nhật kí trong tù và thơ trữ tình sáng tác trong kháng chiến chống thực dân Pháp của Hồ Chí Minh lại mang đậm phong vị cổ điển của thơ Đường, thơ Tống. Nếu văn xuôi tự sự của Người thể hiện trí tưởng tượng bay bổng, khả năng hư cấu sáng tạo độc đáo của nhà nghệ sĩ tài ba thì văn chính luận, thơ ca tuyên truyền của Người lại thể hiện một tư duy sắc bén, chú trọng hiệu quả thực tiễn của một nhà hoạt động cách mạng dạn dày.

Từng bộ phận, thể loại trong di sản văn học của Hồ Chí Minh cũng cho thấy tính phong phú, đa dạng như vậy.

Với văn chính luận, tác giả thường tuỳ mục đích sáng tác và đối tượng tiếp nhận mà chọn nội dung, cách viết cho phù hợp. Tuy nhiên, nhìn chung sức thuyết phục mạnh mẽ trong những áng văn của Người thường là sự kết hợp khéo léo, hài hoà: giàu lí trí, lập luận chặt chẽ, đanh thép, hùng hồn, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người đọc, người nghe; nhưng khi cần, cũng chứa chan tình cảm, thân mật, ôn tồn, đi thẳng vào lòng người, để lại nhiều dư vị thấm thía;… Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 là những trường hợp tiêu biểu.

Những tác phẩm truyện và kí của Người rất hiện đại, thể hiện tinh thần chiến đấu mạnh mẽ với nghệ thuật trào phúng sắc bén. Tiếng cười trào phúng của Nguyễn Ái Quốc thường nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thuý, sâu cay, đồng thời cũng thấm đượm chất trữ tình. Đúng như dịch giả Phạm Huy Thông – người đã dịch các Truyện và kí (Nguyễn Ái Quốc) từ tiếng Pháp sang tiếng Việt – khẳng định các tính chất vừa “dí dỏm, hài hước” vừa “trữ tình” là biểu hiện cho tính phong phú, đa dạng trong bút pháp truyện, kí của Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, về thơ ca, Hồ Chí Minh sáng tác theo nhiều dạng thức khác nhau: có lối thơ bình dân, đại chúng như những bài ca, bài vè, thơ ngụ ngôn,… dễ hiểu, dễ nhớ, có lối thơ chúc Tết, mừng xuân cổ truyền của dân tộc gần gũi, thân mật, ấm áp;…         Nhìn một cách bao quát, thơ Hồ Chí Minh gồm hai mảng bổ sung cho nhau: thơ vận động, tuyên truyền cách mạng và thơ trữ tình. Mỗi bộ phận này đều có mục đích sáng tác và giá trị thẩm mĩ riêng.

Thơ tuyên truyền, vận động cách mạng của Hồ Chí Minh giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, giàu tính thực tiễn, tính thời sự, có khả năng truyền cảm hứng và vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Để việc tuyên truyền có hiệu quả vận động được các tầng lớp nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhà thơ đã không ngần ngại sáng tác những bài thơ rất mộc mạc (mộc mạc nhưng vẫn đa dạng) và đặt tên cho tác phẩm của mình một cách giản dị. Đó là cái mộc mạc, giản dị của những bài “Ca…” (Ca bình lính, Ca đội tự vệ, Ca sợi chỉ), những món quà tinh thần để “Tặng…” (Tặng báo Xung Phong, Tặng các cụ phụ lão, Tặng sư đoàn 316,…), những lời động viên, răn nhắc để “Khuyên…” (Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập, Khuyên thanh niên). Đó còn là cái mộc mạc, giản dị của những hình ảnh, từ ngữ lấy ngay trong cuộc sống hằng ngày, những câu chuyện, những cách nói ngụ ngôn gần gũi với quần chúng. Ngôn ngữ thơ, khi thì khích lệ bằng hình ảnh, nhịp điệu khỏe khoắn, linh động như bài Nhớm lửa, khi thì khuyên nhủ bằng hình ảnh ví von rắn rỏi, cô đọng như bài Khuyên thanh niên,… Đặc biệt, các bài thơ chúc Tết cổ truyền giàu tính thời sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh như những làn gió tươi mới, luôn mang đến sự khích lệ lớn lao đối với đồng bào Việt Nam mỗi khi mùa xuân về:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,

Tiến lên! Toàn thắng ắt về tả.

Trong khi đó, thơ trữ tình của Người lại luôn hài hòa giữa tính hiện đại và phong vị cổ điển. Phần lớn các bài thơ thuộc tập Nhật kí trong tù rất tiêu biếu cho sự hài hoa này. Ở đó, những tình cảm cách mạng của người chiến sĩ không tách rời tình yêu thiên nhiên và phong thái của nhà hiền triết phương Đông; đời sống khắc nghiệt chốn lao tù không thể ngăn nhà thơ say đắm với thiên nhiên yên, hoa, sơn, thủy,…

Thơ ca sáng tác trước và trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 – 1954 của Người cũng vậy. Đó là tiếng nói của một tâm hồn mà tình yêu thiên nhiên và nỗi niềm lo toan việc nước dường như quyện hòa làm một: thiên nhiên, đất nước tươi đẹp luôn gợi nhắc trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc, nhưng càng thao thức lo toan việc nước càng trân trọng, say đắm vẻ đẹp của sông núi thiêng liêng (Cảnh khuya, Pác Bó hùng vĩ,…); niềm vui thưởng ngoạn cái đẹp luôn gắn liền niềm vui của công việc kháng chiến (Rằm tháng Giêng, Tin thắng trận,…), và càng tin tưởng, hi vọng “kháng chiến thành công”, nhà thơ càng thiết tha “trở lại” với vẻ đẹp muôn thuở yên bình, tươi thắm của “trăng xưa”, “hạc cũ”,…

Kháng chiến thành công ta trở lại

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

(Hồ Chí Minh, Cảnh rừng Việt Bắc)

Dù sáng tác trong hoàn cảnh nào, là chữ Hán hay thơ tiếng Việt, thơ Hồ Chí Minh luôn là tiếng nói sâu sắc và tinh tế của một tâm hồn đa dạng, độc dáo, hài hòa nhiều cung bậc, âm hưởng: vừa hồn hậu, thâm trầm, sâu sắc, vừa trẻ trung, hiện đại; vừa chan chứa tình nhân đạo đối với sự sống, con người, vừa dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên,… Những tình cảm, cảm xúc thiết tha, sâu lắng trong lòng nhà thơ luôn được thể hiện bằng bút pháp linh hoạt, sinh động, giàu tính thẩm mĩ. Ngắm trăng, Giải đi sớm, Chiều tối, Hoàng hôn, Đi đường,… (Nhật kí trong tù); Cảnh khuya, Rằm tháng Giêng, Tin thắng trận,… (sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp) đều là những trường hợp tiêu biểu và có thể xem là những viên ngọc quý trong sự nghiệp thơ ca của Người.

b. Tính thống nhất

Tính thống nhất trong sự nghiệp văn học và phong cách nghệ thuật của Người thể hiện trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Có thể nói như Phạm Huy Thông, Hồ Chí Minh “suốt đời là tác giả của chỉ một đề tài: đấu tranh cách mạng”.

Về nội dung, tư tưởng, mọi tác phẩm của Người đều thấm nhuần tình cảm yêu nước, tinh thần dân chủ và lập trường dân tộc. Về hình thức nghệ thuật, với cái nhìn ấm áp, lạc quan về cuộc sống con người, hình tượng nghệ thuật trong sáng tác của Hồ Chí Minh luôn có sự vận động tự nhiên, khỏe khoắn, hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Người thường sử dụng lối viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị đi đôi với sự sáng tạo linh hoạt; luôn có sự kết hợp tự nhiên, hài hòa giữa phong vị cổ điển và tính hiện đại.

5. Kết luận

Thơ văn Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá và là một bộ phận không thể tách rời sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Thơ văn của Người phản chiếu tâm hồn của một nghệ sĩ lớn, chứa chan tình yêu nước, trân trọng sự sống thiêng liêng của con người, thiên nhiên và tạo vật,… Đó là một sự nghiệp văn học đa dạng mà thống nhất, không chỉ có tác dụng to lớn đối với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn học và đời sống tinh thần của dân tộc.

II. Thao tác nghị luận và ngôn ngữ biểu cảm trong văn bản nghị luận

Thao tác nghị luận là những kĩ thuật lập luận được sử dụng để nội dung văn bản nghị luận hoàn chỉnh, thuyết phục. Các thao tác nghị luận gồm:

– Chứng minh: Trình bày các bằng chứng để làm sáng tỏ luân điểm.

– Giải thích: Nêu định nghĩa cho các khái niệm được sử dụng trong văn bản, nhằm thống nhất cách hiểu về khái niệm giữa người viết và người đọc.

– Bình luận: Thể hiện ý kiến, quan điểm khen, chê, đồng tình hay phản đối của người viết đối với vấn đề nghị luận.

– So sánh: Đặt hai đối tượng trong mối tương quan để nhận ra điểm tương đồng, khác biệt.

– Phân tích: Chia nhỏ đối tượng cần bàn để xem xét đặc điểm của từng phần, từng bộ phận, sau đó khái quát đặc điểm chung của đối tượng.

– Bác bỏ: Chỉ ra, phân tích sự sai lầm trong các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng mà người khác đưa ra.

Ngôn ngữ biểu cảm trong văn nghị luận thể hiện qua cách lựa chọn và sử dụng từ ngữ, kiểu câu khẳng định, câu phủ định, các biện pháp tu từ,… để thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết, từ đó khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc.

Việc nhận ra và phân tích cách tác giả sử dụng, kết họp các thao tác nghị luận, ngôn ngữ biểu cảm sẽ giúp bạn lí giải được sức thuyết phục, tác động của văn bản nghị luận, từ đó có cơ sở để hiểu sâu sắc hơn nội dung của văn bản.

Nội dung thuộc soạn văn lớp 12 Chân trời sáng tạo. Các bạn có thể theo dõi nội dung tổng hợp tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-12/