Soạn bài Tri thức ngữ Văn lớp 9 trang 54 Tập 2 | Cánh diều Ngữ văn 9

Tài liệu soạn bài Tri thức ngữ Văn trang 54 Tập 2 Ngữ văn lớp 9 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Cùng SoanVan theo dõi nội dung dưới đây nhé!

soạn bài tri thức ngữ văn lớp 9 trang 54 tập 2
Soạn Bài Tri Thức Ngữ Văn Lớp 9 Trang 54 Tập 2

Soạn bài Tri thức ngữ Văn lớp 9 trang 54 Tập 2

1. Văn bản thông tin giới thiệu một di tích lịch sử

Theo Luật Di sản văn hoá, di tích lịch sử (di tích lịch sử – văn hoá) là những công trình xây dựng hoặc địa điểm có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó. Di tích lịch sử thường gắn với danh lam thắng cảnh, tạo nên vẻ đẹp hài hoà giữa các tác phẩm thiên tạo và nhân tạo. Với lịch sử phát triển lâu đời, Việt Nam có rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Mỗi di tích lịch sử đều có đặc điểm, giá trị và vẻ đẹp riêng.

Văn bản giới thiệu một di tích lịch sử ở Bài 8 là loại văn bản thông tin tập trung giới thiệu về những công trình xây dựng có giá trị. Thông tin trong văn bản giới thiệu một di tích lịch sử thường được trình bày theo trật tự không gian, thời gian, quan hệ nguyên nhân – kết quả, phân loại các đối tượng hoặc so sánh và đối chiếu…

2. Phỏng vấn

Phỏng vấn là một cuộc trao đổi (hỏi và đáp) có mục đích. Các bài phỏng vấn là tác phẩm báo chí, thường do phóng viên hỏi và người được phỏng vấn trả lời. Phỏng vấn thường nhằm hai mục đích: Miêu tả, khắc hoạ chân dung nhân vật (thường là nhân vật nổi tiếng) hoặc cung cấp thông tin về một lĩnh vực cụ thể nào đó mà người được phòng vấn có hiểu biết hoặc có trách nhiệm trả lời.

Có hai cách thực hiện phỏng vấn: Phòng vấn trực tiếp là người hỏi và người trả lời trực tiếp gặp nhau, lần lượt hỏi và trả lời. Phỏng vấn gián tiếp là trao đổi qua điện thoại hoặc các phương tiên liên lạc khác. Với những vấn đề phức tạp, người được phỏng vấn chưa thể trả lời ngay, cần chuẩn bị và tra cứu thì việc phỏng vấn thường được hiện bằng văn bản (người hỏi chuẩn bị các câu hỏi bằng văn bản, người trả lời cũng trả lời bằng văn bản). Nội dung bài phỏng vấn thường ngắn gọn, câu hỏi và câu trả lời thường rõ ràng.

3. Câu rút gọn và câu đặc biệt

– Câu rút gọn là câu đã lược bỏ một hoặc một số thành phần bắt buộc trong câu (tức là các thành phần không thể vắng mặt trong bối cảnh giao tiếp bình thường như chủ ngữ, vị ngữ hay các thành phần phụ bắt buộc của cụm từ). Việc lược bỏ thành phần bắt buộc trong câu có những tác dụng sau:

+ Làm cho câu văn ngắn gọn, vừa thông tin được nhanh vừa tránh lặp lại các từ ngữ đã xuất hiện trong câu đứng trước, đồng thời liên kết với câu đứng trước chặt chẽ hơn. Ví dụ, câu rút gọn lược bỏ thành phần bắt buộc của cụm từ làm vị ngữ: “Đây là chiếc áo ba tôi chỉ bận khi có giỗ kị. Bây giờ ba tôi thong thả bận vô.” (Anh Đức)

+ Trong một số trường hợp, việc lược bỏ chủ ngữ còn ngụ ý: hành động, đặc điểm nêu ở vị ngữ là của mọi người. Ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” (Tục ngữ)

– Câu đặc biệt là câu không được cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ. Câu đặc biệt thường được dùng để xác định thời gian, nơi chốn, sự có mặt của người, vật, hiện tượng; gọi đáp; biểu lộ cảm xúc hoặc sưk đánh giá. Ví dụ: “Đám người nhốn nháo lên. Tiếng reo. Tiếng vỗ tay.” (Nam Cao), “Trời ơi! Một sự ghê gớm kinh sợ.” (Ngô Tất Tố).

Nội dung trên thuộc danh mục tài liệu soạn văn 9. Các bạn có thể tham khảo bài soạn khác tại đây:

https://soanvan.com.vn/chuyen-muc/tai-lieu-van-9/